Đầu tư 25/03/2015 16:03

Có “đũa thần”, có “nhân giống” các dự án cơ sở vật chất nghìn tỷ?

FICA - Ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng dự án cơ sở hạ tầng đường sá, bến cảng, sân bay…

Với nhiều năm học hỏi kinh nghiệm nhiều nước đã và đang thực hiện, theo giới phân tích Nghị định này đã tiến thêm 1 bước dài trong xã hội hóa đầu tư và là “chiếc đũa thần” nhân giống các dự án nghìn tỷ trong thời gian tới.

 

 

Tại Hội nghị giới thiệu Nghị định trên được Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng nay 25/3. Đại diện của Bộ KH&ĐT đã chỉ ra một số điểm mới về của chiếc đũa thần mà theo lãnh đạo của Bộ này nó đến từ cơ chế “mở toang cửa” lĩnh vực đầu tư, đổi mới cơ chế thầu, chào thầu và DN được tự quyết công nghệ…

 

PPP là cơ chế hợp tác đầu tư Nhà nươc – tư nhân được Pháp, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ thực hiện nhiều năm. Cơ chế này cho phép huy động nguồn vốn xã hội hóa từ DN tư nhân, tập đoàn trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư các hạng mục, công trình trong các lĩnh vực mà Nhà nước kêu gọi và mở cửa đầu tư. PPP được thực hiện chủ yếu trên thế giới ở các dự án hạ tầng giao thông, giáo dục, công trình công cộng… Đây là những dự án lớn, có thời gian hồi vốn dài trong khi đó Nhà nước ít vốn mà DN lại không thiết tha đầu tư. Chính vì vậy, các nước đều có rất nhiều cơ chế ưu đãi về: lập dự án, vay vốn lãi suất thấp và đặc biệt trao quyền khai thác, quản lý hoàn toàn các dự án này sau khi đã hoàn thành.

 

Vậy tại Việt Nam, Nghị định 15/2015/Đ-CP có những điểm mới của chính sách này là gì? tại sao những kỳ vọng chính sách lại lớn như vậy? Và liệu khi vào cuộc sống, những chính sách này có thực sự mang lại những con đường mới, đẹp và chất lượng hơn?

 

Một trong những điểm mới chính sách là lần đầu tiên, DN được quyền tham gia từ đầu đến cuối dự án đầu tư của mình. Từ quy hoạch dự án, lựa chọn công nghệ, thi công, mời thầu phụ đến khai thác, quản lý sau khi dự án hoàn thành.

 

Tiếp theo, Nghị định 15 cho mở toang các lĩnh vực đầu tư mà trước đây chỉ do Nhà nước đầu tư như điện, cấp thoát nước đến các công trình, dụ vụ công trong y tế, giáo dục, dạy nghề… chứ không chỉ bó hẹp ở các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng như trước kia.

 

Về hình thức đầu tư, ngoài các hình thức đầu tư phổ biến trong hợp tác Nhà nước – DN trước đây như xây dựng, kinh doanh, chuyển giao, xây dựng chuyển giao hay xây dựng, chuyển giao, kinh doanh BOT, BT, BTO. Nghị định 15 tăng thêm quyền hạn quản lý và tính sở hữu công trình đối với chủ đầu tư ở các loại hợp đồng mới như: BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), O&M (kinh doanh - quản lý) và BTL, BLT.

 

Một điểm mới của Nghị định 15 là Việt Nam sẽ chào các dự án đã được nghiên cứu, phê duyệt công khai ra thị trường tài chính quốc tế để các nhà đầu tư chủ động đấu thầu, huy động vốn và bàn các phương án đầu tư. Đây là điểm mới mà hầu hết trong thời gian vừa qua, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đều chỉ định thầu, đấu thầu trong nước.

 

Nhằm kiểm soát chất lượng, thay vì kiểm soát đầu vào trước kia, Nghị định 15 kiểm soát đầu ra, tăng hậu kiểm dài kỳ có sự kết hợp của Nhà nước và cơ quan độc lập. Các cơ chế bắt buộc về công nghệ - kỹ thuật xây dựng sẽ được bãi bỏ.

 

Theo đó, DN được thoải mái lựa chọn công nghệ đầu tư sao cho hiệu quả, chất lượng. Cơ chế cùng bỏ vốn, chịu trách nhiệm chất lượng công trình và khai thác sẽ ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư với chất lượng công trình.

 

Trong PPP, vai trò của Nhà nước vẫn được xem trọng nhưng ở khía canh kiến tạo và phát triển. Thay vì ôm đồm vừa xây dựng quy hoạch, thực hiện và chỉ định thực hiện dự án, công nghệ như trước đây, tại Nghị định 15, Nhà nước đứng ở hai vị trí: Lập quy hoạch, nghiên cứu tiền khả thi dự án, kêu gọi đầu tư tham gia và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch dự án.

 

Hai là Nhà nước đưa ra ý tưởng, mong muốn xây dựng, DN xây dựng các dự án trình cơ quan chức năng và thẩm định ba bên (Nhà nước – Nhà khoa học – DN) để thực hiện đánh giá dự án và triển khai. Cơ chế vốn của dự án cũng được theo dạng thức, vốn tự có của doanh nghiêp, vốn đối ứng của Nhà nước và vốn xã hội hóa, vốn vay…

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *