Đầu tư 21/08/2014 07:28

Chính phủ ưu tiên phát triển điện hạt nhân

FICA - Phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực điện hạt nhân đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư cả về chính sách và ngân sách.

Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến năm 2020 cả nước cần 4.355 người cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người (1.600 cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân).

Trong khi đó, hiện cả nước chỉ có 5 trường đào tạo nhân lực cho ngành này là: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 đạt trên 200 sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển theo kỳ vọng của Chính phủ.

Đơn cử, cũng từ nguyên nhân chưa chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, Dự án xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận sẽ phải hoãn đến năm 2020. Theo kế hoạch trước đó, đến năm 2015, Dự án sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. 

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận phải hoãn lại
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận phải hoãn lại do chưa chuẩn bị đầy đủ nhân lực

Nhằm khắc phục vấn đề này, năm nay Chính phủ đã dành khoảng 2.000 tỷ đồng đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng dùng để đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Quyết định 45/2014/QĐ-TTg. Đây là những quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Theo đó, người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ được hưởng mức phụ cấp 70%. Người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ được hưởng mức phụ cấp 50%. Người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ được hưởng mức phụ cấp 40%.

Phạm Thanh

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *