Đầu tư 26/06/2014 15:16

Cảng biển- Con gà đẻ trứng vàng?

Ngành cảng biển Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể từ TPP khi cùng với việc bản hiệp định này có hiệu lực.

Theo các chuyên gia đàm phán, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào lúc này còn rất ngổn ngang. Trong khi những vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất còn đang ở phía trước thì người ta đã không ngớt bàn về những điều thiệt hơn mà bản hiệp định được đánh giá là có phạm vi điều chỉnh chưa từng có này mang lại.

 

Là một quốc gia đang đàm phán để gia nhập, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Các chuyên gia đã hình dung ra những kịch bản cùng sự ảnh hưởng của TPP với các ngành kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, trong số khoảng 20 ngành hàng kinh tế chủ chốt có thể phân ra làm 4 nhóm theo mức độ chịu ảnh hưởng. Nhóm tích cực gồm dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản, nông sản, cảng biển, logistics, công nghệ phụ trợ và xây dựng. Nhóm ít ảnh hưởng gồm bất động sản, dược phẩm và dầu khí. Nhóm thách thức gồm bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, phân phối bán lẻ và hàng tiêu dùng. Nhóm tiêu cực gồm ô tô, chăn nuôi và mía đường.

Ngành cảng biển Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể từ TPP khi cùng với việc bản hiệp định này có hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khi Việt Nam đã hướng tới mục tiêu một quốc gia mạnh về biển. Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý là mức độ ảnh hưởng từ TPP mang lại sẽ không phải là ngay trước mắt mà là xét về trung hạn và dài hạn. Cụ thể hơn những lợi ích có thể phải chờ đến 5-10 năm sau khi hoàn tất TPP.

Về triển vọng với các doanh nghiệp cảng biển trong nước, các chuyên gia lưu ý là các doanh nghiệp trong nước nắm giữ lợi thế được xem là cốt lõi về kho bãi, cảng và hạ tầng. Những điều này tạo nên sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi mở cửa. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài chỉ có lợi thế về nguồn hàng và đầu mối các hợp đồng.

Việt Nam cũng được coi là có vị trí chiến lược tốt, có nhiều cơ hội để trở thành một địa chỉ trung chuyển hàng hóa trong khu vực TPP một khi được đầu tư tốt về hạ tầng cảng biển. Mặt khác thủ tục hải quan cũng là một nội dung được đàm phán trong TPP theo hướng tích cực hơn, giúp cho hoạt động thương mại được nhanh chóng và thuận lợi. Gia nhập TPP Việt Nam cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho kết cấu hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông cùng năng lực cảng biển.

Nhưng bức tranh với ngành cảng biển không chỉ lạc quan như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phân hóa trong lĩnh vực khai thác cảng biển cũng sẽ diễn ra khá rõ rệt với việc hình thành hai nhóm doanh nghiệp, gồm nhóm tiềm năng và nhóm ổn định. Nhóm tiềm năng gồm những doanh nghiệp sở hữu nhiều cảng biển tại các vị trí đắc địa, có nguồn lực đầu tư chiều sâu và năng lực khai thác cảng biển tốt. Nhóm ổn định gồm các doanh nghiệp được hưởng lợi về vị trí địa lý nên sẽ nhanh chóng khai thác tối đa công suất và đạt được mức độ sinh lời cao cho dù quy mô cảng chỉ ở mức trung bình. Do không có quỹ đất để phát triển cảng biển nên nhóm này về lâu về dài sẽ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 
Theo Quang Lộc
Báo Công thương
 
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *