Đầu tư 06/08/2014 08:45

Cán bộ đi công tác nước ngoài: Không được dùng tiền doanh nghiệp

Lãnh đạo không đi nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ; đi công tác không được quá 2 lần trong một năm… là những quy định mới tại Chỉ thị số 38 – CT/TW của Bộ Chính trị.

 

Cơ hội “vàng” cho tham nhũng, lãng phí
 

Thứ trưởng Tuấn cho biết, hiện nay, các bộ ngành đều có quy định riêng về quản lý đi công tác nước ngoài, nhưng do một số nơi thực hiện chưa nghiêm nên gây ra lãng phí trong quá trình đi công tác. Một số cơ quan nghiêng nặng về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, đi không xác định mục đích công việc rõ ràng, nên đã gây lãng phí ngân sách nhà nước (NSNN). Vì thế, chỉ thị ra đời nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng NSNN đối với việc đi nước ngoài của các cán bộ lãnh đạo, cũng như các đoàn công chức, viên chức nhà nước. 

Những quy định này không chỉ thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu trong thực thi công vụ, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách công vụ công chức hiện nay. 

Đồng tình với nhận định của Bộ Chính trị, nguyên nhân gây ra thực trạng lãng phí nói trên là do người đứng đầu chưa gương mẫu, theo Thứ trưởng Tuấn, trước hết, người lãnh đạo là người quyết định các chuyến đi nước ngoài, nếu không nhận thức được đầy đủ mục tiêu và xác định rõ nội dung, kết quả của việc đi nước ngoài thì việc cử cán bộ công chức đi sẽ không hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Vô hình trung họ trở thành người vô trách nhiệm trong quản lý NSNN cung cấp cho cơ quan mình. Có nhiều lãnh đạo chưa gương mẫu, đi quá nhiều lần trong một năm, thậm chí đi 5, 7 đến 10 lần.
 

Chỉ thị quy định rõ: Đi công tác nước ngoài không quá 2 lần một năm đối với lãnh đạo, không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia một đoàn công tác... sẽ khắc phục được các vấn đề mà nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đang mắc phải trong việc tổ chức đi nước ngoài gây lãng phí hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để đi nước ngoài, đồng thời góp phần thực hiện tốt quản lý việc đi công tác nước ngoài. 

Thứ trưởng Tuấn cho rằng, quy định khá cụ thể, nhưng cũng không quá cứng nhắc, có độ mở nhất định như trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất hoặc do công việc thật cần thiết để việc đi nước ngoài. Vì thế đây là những quy định thiết thực, đạt được mục tiêu, phục vụ tốt cho công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

DN đài thọ sẽ gây tiêu cực
 

Về việc, không cho phép lãnh đạo được đi nước ngoài do DN đài thọ, tổ chức, theo Thứ trưởng Tuấn, dù đi bằng tiền ngân sách hay tiền của DN, thì cũng đều là tiền của Nhà nước, đều gây lãng phí. Hơn nữa, không có DN nào bỏ tiền ra mời đi mà không thu lợi về cho mình. Vì vậy, nhất thiết phải có quy định này để vừa thực hành tiết kiệm, vừa chống được nhũng nhiễu, các biểu hiện tiêu cực, thiếu khách quan minh bạch, mưu cầu lợi ích cá nhân trong thực thi công vụ của cán bộ công chức. 

Khoản 3, Điều 18 về những việc cán bộ công chức không được làm liên quan đến hoạt động công vụ cũng đã nêu rõ: Lạm dụng, lợi dụng quyền vụ, quyền hạn để vụ lợi là vi phạm về những điều cán bộ công chức không được làm.

Ngoài ra, một số quy định khác như không đưa thân nhân đi theo đoàn công tác cũng rất cần thiết, nhằm đảm bảo đoàn tham gia công tác đúng đối tượng, đúng thành phần, khắc phục được việc sử dụng tiền “chùa” để hưởng thụ. Hoặc đi không có nội dung cụ thể, nhiều đoàn cùng đến một chỗ, điều này sẽ làm lệch lạc đi hình ảnh của nước ta trong mắt bạn bè quốc tế. 
 

Việc quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài đã được Bộ Nội vụ đưa vào quy chế làm việc của bộ từ nhiều năm nay, trong đó quy định rõ: Mỗi người không được đi quá 1 lần/năm, mỗi đoàn thường không quá 5 người, số ngày đi không quá 6 ngày. Vụ Tổ chức cán bộ được giao theo dõi bằng sổ riêng, nếu cử ai đi thì sẽ rà soát xem người đó đã đi nước ngoài bao giờ chưa, từ đó làm cơ sở để Bộ trưởng xem xét. 

Việc cử cán bộ ở bộ đã được quản lý chặt chẽ, tránh gây lãng phí ngân sách, đảm bảo yêu cầu các đơn vị khi được mời đi thì phải nêu rõ đi với mục đích gì để cử người đi cho phù hợp, và yêu cầu không mời đích danh, hoặc thường những người mời đích danh cũng ít được cử đi.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra T.Ư: Chỉ thị phải được tiến hành từ trong Đảng ra, từ trên xuống dưới
Những vấn đề nêu ra trong chỉ thị về tình trạng “đi nước ngoài quá nhiều, đi không rõ mục đích, trùng lặp nội dung, địa bàn...” cho thấy, đây là sự lãng phí tiền của, lãng phí thời gian. Khi tôi làm việc, thấy có tình trạng đoàn này đi, đoàn khác đến lại vẫn nội dung như thế... Đặc biệt đi không đúng chuyên môn, đi giải quyết chính sách rất mất uy tín với bạn bè, đối tác nước ngoài, việc như vậy còn làm hư cán bộ. Tôi đánh giá cao chỉ thị mới có nhiều điểm sát với thực tế...
 
Tại sao Bộ Chính trị ban hành chỉ thị này, chứ không phải là cơ quan chính phủ? Đây là chỉ thị trong nội bộ đảng. Đây là tín hiệu nhắc nhở cấp ủy và cán bộ đảng viên trước tiên phải chấp hành. Đây là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện Điều lệ Đảng. Với Đảng cầm quyền thì các lãnh đạo, đảng viên của Đảng phải gương mẫu. Bộ Chính trị ban hành chỉ thị cho thấy rằng việc thực hiện nó phải được tiến hành từ trong Đảng ra, từ trên xuống dưới. Phương pháp này là đúng sứ mệnh của Đảng - đội quân tiên phong. Đây cũng là việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào cuộc sống. D.L ghi
 
TS Trịnh Hòa Bình - GĐ Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam): Nhiều lãnh đạo dạo này rất "chịu khó" đi công tác nước ngoài 
 
Tình trạng đi nước ngoài lâu nay tràn lan, các "sếp" đi suốt, trong đó có một phần từ nguồn tiền ngân sách nhà nước giải quyết đi theo chế độ. 
Tôi được biết, có những đoàn công tác cấp quốc gia cứ vài tháng lại rủ nhau sang nước ngoài một lần, gặp đối tác và làm việc về những nội dung mà các đoàn khác đã từng làm, đã từng hỏi. Những chuyến công cán không chỉ loanh quanh trong khu vực Châu Á, mà các lãnh đạo dạo gần đây còn rất "chịu khó" đi công tác tại các nước tư bản như Mỹ, Châu Âu... 
Tốn kém, lãng phí ngân sách, thiếu thực chất và qua đó còn cho thấy ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu sử dụng "thoáng". Chính vì thế, đây là chủ trương cần thiết. Tuy nhiên, kiểu văn bản nhà nước mà "bồi" thêm câu "cấp trên cho phép", thì có thể giải quyết được hết nếu trong cùng một hệ thống. Vì thế, phải là quy định cứng và quan trọng phải duy trì thực hiện, có ý nghĩa về pháp chế. D.H
 
Theo Diệu Linh - Dương Hà
Lao động
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *