Đầu tư 22/05/2014 17:13

Bộ trưởng Thăng: Sẽ không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc

FICA - Bộ trưởng Thăng cho biết, khi mới xảy ra sự kiện trên Biển Đông vào đầu tháng 5 vừa qua, lúc đầu nhiều nhà thầu Trung Quốc cũng có chút băn khoăn, lo lắng, nhưng bây giờ đã trở lại bình thường.

Bên lề Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chia sẻ với báo giới về tình hình triển khai các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng giữa vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).

Hiện có khá nhiều dự án trong lĩnh vực giao thông do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Vậy tình hình triển khai các dự án này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Đúng là hiện có nhiều dự án giao thông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Khi mới xảy ra sự kiện trên Biển Đông vào đầu tháng 5 vừa qua, lúc đầu nhiều nhà thầu cũng có chút băn khoăn, lo lắng, nhưng bây giờ đã trở lại bình thường vì họ nhận thức được rằng, nếu dừng dự án thì họ cũng bị thiệt hại, chứ không chỉ có mình bị thiệt hại. Vì vậy, cả mình và đối tác hợp tác, phối hợp với nhau để tiếp tục triển khai.

Mọi việc đã trở lại bình thường sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tạo mọi điều kiện tốt nhất, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho tất cả nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc tiếp tục triển khai dự án mà họ đã trúng thầu.

Dù vậy, Bộ trưởng và ngành giao thông đã có phương án dự phòng gì trong tình huống các nhà thầu “bỏ của chạy lấy người” mà về nước?

Xin nhắc lại là các dự án của ngành giao thông vay vốn Trung Quốc vẫn đang được thực hiện bình thường.

Tuy nhiên, chúng ta đã có nhiều phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất là phía Trung Quốc không tiếp tục cho vay vốn để triển khai 3 dự án giao thông (gồm: Dự án Đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông , Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường sắt tuyến Yên Viên - Lào Cai và Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh).

Hiện tại, chưa có vấn đề gì liên quan đến việc triển khai các dự án giao thông vay vốn của Trung Quốc, nên tôi chưa thể nói phương án dự phòng, nhưng trong trường hợp xấu nhất thì cũng đã có phương án khác, bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ.

Vừa qua dự án đường sắt đô thị đội vốn chúng ta đang vay vốn của Trung Quốc, vậy trong tình hình hiện nay liệu họ có gây khó dễ gì không, thưa ông?

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo phải xác định rõ tăng tổng mức là tăng ở đâu, nguyên nhân thế nào, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào… Từ đó mới làm việc với nhà thầu Trung Quốc đề xuất vay tiếp, nhưng trước mắt chúng ta phải làm rõ. Hiện mọi việc vẫn đang tiến hành.

Còn các phương án phòng ngừa đã được đề ra chứ không phụ thuộc vào một phương án thuần túy, kể cả không có vấn đề gì nhưng nếu họ không đồng ý cho vay tiếp thì cũng phải có phương án khác thay thế.

Dư luận cho rằng, có vấn đề lợi ích nhóm khi trước đây chúng ta thẩm định và chọn nhà thầu Trung Quốc nhiều như vậy?

Thực ra chúng ta không nên đặt vấn đề lợi ích nhóm ở đây. Việc lựa chọn nhà thầu phải theo đúng quy định của pháp luật, trong đó việc đầu tiên là phải xác định được năng lực của các nhà thầu, sau đó tiến hành đấu thầu giá thấp thì trúng.

Hiện chúng ta vẫn đang bị chi phối bởi yếu tố giá thấp thì đương nhiên nhà thầu nào giá thấp thì sẽ được trúng. Các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu vì luôn có giá thấp hơn.

Còn nếu nói lợi ích nhóm thì phải chọn nhà thầu giá cao. Trong quá trình thực hiện, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để loại trừ được những trường hợp đó. Tuy nhiên việc này cũng phải làm dần dần chứ không phải một lúc mà làm ngay được.

Nhưng nói là chọn giá thầu thấp nhưng rồi lại đội vốn 100% và Việt Nam vẫn phải trả cả số tiền bị đội lên, trong khi đó đáng ra sẽ phải phạt nhà thầu vì chậm tiến độ. Bộ trưởng lý giải vấn đề này thế nào?

Đội vốn thì có nhiều lý do. Thực ra mấu chốt của một dự án muốn thực hiện hoàn thành đúng tiến độ thì phải có tiền, mặt bằng và năng lực của các tổ chức tham gia làm công trình đó phải tốt.

Tuy nhiên thời gian qua có những dự án các yếu tố đó đồng thời đều chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ. Từ đó dẫn đến vượt tổng mức. Chậm tiến độ cũng có cả nguyên nhân chậm giải pháp mặt bằng, hoặc là trong quá trình khảo sát thiết kế ban đầu không kỹ cũng dẫn đến tăng vốn.

Câu chuyện truy nhà thầu “đi đêm” thể hiện sự quyết tâm của cá nhân Bộ trưởng cũng như bộ quản lý ngành. Đến nay, kết quả thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta phải hoàn thiện lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho thật chặt chẽ, phân loại xếp hạng nhà thầu, phân loại xếp hạng ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.

Theo đó, nhà thầu thuộc nhóm nào thì được thực hiện dự án tương ứng như thế nào, những dự án lớn phải chọn nhà thầu lớn, tư vấn giám sát uy tín…

Hiện chúng tôi mới đang kiểm tra giám sát đôn đốc thực hiện, cố gắng giảm bớt tình trạng đó nhưng trong một thời gian ngắn cũng không thể hy vọng chấm dứt được tình trạng này. Đó là mục tiêu để hướng tới nhưng phải có thời gian để thực hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hiền (ghi).

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *