Đầu tư 31/03/2015 11:01

Bộ Công Thương cần “nói thật” về các dự án bauxite

FICA - Theo TS Nguyễn Thành Sơn, để khắc phục được những bất cập hiện tại, Vinacomin cũng như Bộ Công Thương cần phải có những số liệu báo cáo trung thực, công khai minh bạch cho dư luận, và không nên sửa sai lầm này bằng sai lầm khác lớn hơn.

Liên quan đến hiệu quả kinh tế của dự án bauxite Tây Nguyên đang được tranh luận sôi nổi thời gian gần đây,PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với với ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin.
 

TS Nguyễn Thành Sơn (ảnh: NLĐ)

 
Thưa ông, trong văn bản phản hồi ngày 30/3 của Bộ Công Thương có cho biết, giá alumin thế giới đã tăng từ 2014 cho đến nay, và cho rằng đây là điều kiện tốt cũng như mở ra triển vọng hiệu quả cho dự án. Là người trong ngành, ông có đánh giá như thế nào về điều này? 
 
Giá alumina phụ thuộc vào giá nhôm kim loại. Nhưng giá nhôm kim loại phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng điện. Từ 2012 đến nay giá nhôm kim loại có xu hướng giảm vì giá dầu giảm.
 
Giá nhôm kim loại trên thị trường thế giới (LME) bình quân như sau: năm 2012 là 2.050,4 USD/tấn, năm 2013 là1.888,2 USD/tấn, năm 2014 là 1.897,8 USD/tấn, còn 3 tháng đầu năm 2015 là 1.814,1 USD/tấn.
 
Còn về “triển vọng” thì Bộ Công Thương nói nhiều, nói hoài từ 2009 đến nay rồi. Vấn đề thực tế như thế nào? giá thành hạch toán đúng, hạch toán đủ là bao nhiêu? tiêu thụ được bao nhiêu? sản lượng sản xuất được bao nhiêu? công suất thiết kế đạt bao nhiêu? v.v.
 
Với tuổi thọ của dự án và thời gian dự kiến hòa vốn của hai dự án, theo ông, liệu lợi ích mà hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ mang lại có đủ bù đắp hết những hệ quả phải trả và có thể phải trả không?
 
Tôi (và chắc những người có hiểu biết về kinh tế) chẳng dám tin trong vòng 11,5-4=7,5 năm, dự án Tân Rai có lãi sau thuế lên tới 15.200 tỷ đồng. 
 
Mức lỗ hiện tại của dự án này đang là 50-90 USD/tấn, sau 4 năm sẽ có lãi bình quân tới 153 USD/tấn. Liệu Bộ Công Thương có “quá coi thường” người đọc không khi đưa ra dự kiến lãi tới gần 50% trên doanh thu cho một dự án có công nghệ lạc hậu như Tân Rai?
 
Theo như tham luận của ông nêu ra tại cuộc Hội thảo ngày 28/3 vừa rồi thì ngay từ khâu mời thầu, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (Vinacomin) đã sai lầm. Vậy, Vinacomin đã “sập bẫy” chính mình?
 
Chúng ta có thể hình dung câu chuyện này đại loại như ra chợ mua phải hàng rởm nhưng cứ tưởng là hàng thật, về nhà mở ra mới biết, dùng cũng chết mà không dùng thì phí. 
 
Cụ thể là việc đấu thầu hay chọn thầu thì theo luật cũng phải có “đầu bài”, tức Hồ sơ mời thầu (HSMT). Trong đó, chủ đầu tư phải nêu rõ các mong muốn của mình về cái mặt hàng mà mình định “mua” của các nhà thầu.
 
Các nhà thầu (hay 1 nhà thầu nào đó được chỉ định) phải nộp cho chủ đầu tư bản chào hàng của mình (tức hồ sơ dự thầu - HSDT). Và chủ đầu tư phải xem xét các bản chào hàng đó về mọi khía cạnh kỹ thuật và quy nó về giá trị kinh tế để so sánh xem nó đắt hay rẻ.
 
Trong dự án Tân Rai, chủ đầu tư không có HSMT được soạn thảo bởi các cơ quan tư vấn có kinh nghiệm, nên cũng chẳng biết mình “mua” cái gì, còn nhà thầu thì chào “bán” hàng rất khôn, lừa được chủ đầu tư là giá rất “hời”. Thực tế, nếu xem xét kỹ thì dự án Tân Rai bị mua đắt ít nhất là hơn 300 triệu U$ (so với mức giá bình quân).
 
Thực tế đã cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của dự án rất thấp. Vì vậy, dự án không thể có lãi và không thể hoàn vốn nhanh.
 
Cho đến nay, đa phần người dân chỉ mới biết đến một vài số liệu hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án bauxite thông qua một số báo cáo ngắn của Vinacomin hoặc thông qua tham luận của các diễn giả tại các hội thảo. Để đảm bảo sự minh bạch của các dự án, theo ông, liệu cần phải có một bên thứ ba (thanh tra, kiểm toán độc lập) hay có những quy định cụ thể về công bố thông tin cho công chúng hay không?
 
Rõ ràng quá trình đấu thầu hay chọn thầu của Tân Rai và Nhân Cơ đều đạt ra nhiều “dấu hỏi”. Chủ đầu tư mặc dù không có kinh nghiệm, nhưng cứ “tự tung tự tác”, không thuê tư vấn quản lý dự án theo luật, không xem xét/đánh giá bản chào của nhà thầu đúng quy định trước khi ký hợp đồng EPC. Vì vậy, đã gây ra những hậu quả như ngày nay.
 
Còn hiện nay, Nhà máy alumina Tân Rai cũng là một doanh nghiệp, nên đương nhiên phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Trước hết phải được hạch toán đúng và hạch toán đủ. Phải được kiểm toán độc lập và kiểm toán khách quan. Phải công bố kết quả kiểm toán. Ngoài việc thanh tra định kỳ, phải có thanh tra đột xuất nếu mọi việc không bình thường.
 
Vậy theo ông, nếu vẫn muốn tiếp tục triển khai dự án bauxite thì nhà đầu tư cần làm gì để hạn chế tối đa tổn thất cũng như những mặt trái (nếu có) của dự án này mang lại?
 
Để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, Vinacomin có 3 việc phải làm (xếp theo mức độ cần thiết). Thứ nhất, đó là phải báo cáo trung thực với Thủ tướng và công khai minh bạch với dư luận.
 
Thứ hai là họ phải biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia; và ba là nên thuê tư vấn độc lập có đủ trình độ vào đánh giá/kiểm toán/nghiệm thu dự án để đề ra các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án.
 
Từ những vấn đề đang được đặt ra tại bauxite Tây Nguyên, theo ông, có những bài học gì có thể rút ra trong thu hút đầu tư thời gian tới?
 
Tôi nghĩ, bài học duy nhất cần học là “học thuộc những bài học đã qua”. Kinh nghiệm duy nhất phải rút ra là “đừng sửa sai lầm này bằng sai lầm khác lớn hơn”!
 
Xin cảm ơn ông!
 
Thế nào là lỗ kế hoạch?
 
Ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng, bài toán “lỗ kế hoạch” đã từng được dùng từ thời bao cấp (trước năm 1986), khi giá bán điện, hay giá bán than được Chính phủ qui định, nên có những năm ngành điện hay ngành than phải có chỉ tiêu “lỗ kế hoạch”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả hai dự án alumina trên Tây Nguyên được triển khai theo cơ chế thị trường. 
 
Khái niệm “lỗ kế hoạch” cần được hiểu là “lỗ thật” đã được lập kế hoạch từ trước. Như vậy, để dư luận tin vào đáp số về “lỗ kế hoạch”, theo ông Sơn, ít nhất Bộ Công Thương nên thông báo cụ thể các con số: sản lượng sản xuất alumina, giá thành của sản phẩm alumina (chi phí sản xuất), sản lượng tiêu thụ alumina và giá bán của alumina v.v. Không nên lấy lý do “bí mật kinh doanh” để giấu lỗ trước Thủ tướng. Một khi đã “lỗ kế hoạch” thì chẳng cần “bí mật” làm gì! Càng công khai, khách hàng càng “thông cảm” mua giá cao - ông Sơn cho hay.
 
Về bài toán thu hồi vốn của dự án Tân Rai, đáp số của Bộ Công Thương là “lỗ 4 năm, thời gian thu hồi vốn 11,5 năm”. Đầu bài được Vinacomin công bố là: tổng vốn đầu tư của dự án Tân Rai là 15.200 tỷ đồng; sản lượng alumina năm 2017 (sau 4 năm “lỗ kế hoạch”) của Tân Rai  là 615.000 tấn. Như vậy, theo tính toán của ông Sơn, sau 4 năm “lỗ kế hoạch” mỗi năm dự án Tân Rai (hiện đang lỗ) sẽ có lãi bình quân sau thuế là 15.200 tỷ đồng : (11,5 năm - 4 năm) = 2.026,66667 tỷ đồng/năm. 
 
Giả sử thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được lập là “miễn thuế có kế hoạch”. Như vậy, ít nhất, mỗi năm dự án Tân Rai phải có lãi gộp bình quân là 2.027 tỷ VND/năm (lấy số chẵn). Tương đương với lãi 94,26 triệu USD/năm, hay tương đương với lãi 153 U$/tấn. Trong khi đó, hiện nay, mức “lỗ kế hoạch” nếu tính đúng, tính đủ đang dao động (tùy theo sản lượng) từ 50-90 USD/tấn.
 
Bích Diệp (thực hiện)
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *