Đầu tư 18/07/2014 10:13

Bình Thuận than khó xử lao động Trung Quốc, Trà Vinh "oan"?

Việc quản lý lao động Trung Quốc rất khó khăn bởi thiếu chế tài, đồng thời lao động TQ dù gắn mác chuyên gia nhưng thực chất là lao động phổ thông.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết. Trong khi đó, tại Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering được tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.

 

Quản lý khó vì thiếu chế tài

 

Cụ thể, Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, việc quản lý người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc ở Bình Thuận rất khó khăn bởi thiếu nhiều chế tài.

 

"Tình hình quản lý lao động nước ngoài còn bất cập. Việc xử phạt cũng khó bởi trong Nghị định 102 và Thông tư 03 chỉ nói không đủ điều kiện thì trục xuất nhưng ai trục xuất thì không nói rõ", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

 

Qua báo cáo của các cơ quan chức năng thì phần lớn lao động Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đều gắn mác là chuyên gia, kỹ sư, nhưng thực chất chỉ là lao động phổ thông.

 

Theo quy định của Nghị định 102 của Chính phủ ban hành tháng 9/2013 và Thông tư 03 có hiệu lực 10/3/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện thì Việt Nam chỉ tuyển các lao động nước ngoài là các chuyên gia, nhà quản lý… không chấp nhận lao động phổ thông.

 

Nếu các lĩnh vực mà chuyên gia Việt Nam có thể làm được thì cũng không tuyển chuyên gia nước ngoài. Vì thế, điều mà các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm là việc xử lý kẽ hở này bởi Thông tư 03 này lại không có qui định về chế tài xử phạt.

 

Chính quyền huyện Tuy Phong chỉ quản lý về cư trú, an ninh trật tự, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ kiểm tra về giấy phép lao động chứ không xử lý được các lao động Trung Quốc gắn mác kỹ sư.

 

Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Thuận, trong quý I/2014 đã có hơn 1000 lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn 160 lao động có giấy phép.

 

Lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một
Lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một "làng" ngay tại gần khu vực nhà máy

 

Ngày 1/4/2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cùng với Phòng xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra 4 công ty tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Khi kiểm tra công ty Hồ Bắc thì trong tổng số 269 lao động, chỉ có 144 lao động Trung Quốc có giấy phép lao động, 125 lao động không phép, có 36/269 lao động không có hộ chiếu.

 

Lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một "làng" ngay tại gần khu vực nhà máy. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu.

 

Số lượng lao động này cũng thay đổi liên tục và có xu hướng giảm sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ nước ta. Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, đến ngày 30/6 còn 694 lao động Trung Quốc, trong đó chỉ có 298 lao động có giấy phép.

 

Tờ VOV đưa tin, vấn đề quản lý lao động Trung Quốc trở thành vấn đề nóng tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân khóa IX tỉnh Bình Thuận. Nhiều ý kiến tại đây cho biết Kẽ hở của Thông tư 03 khiến các nhà thầu nước ngoài tự tung tự tác trong việc sử dụng lao động.

 

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này. Trong trường hợp cần thiết xin thêm ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, làm sao các cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật của Nhà nước.

 

Trà Vinh: Ai tiếp tay cho nước ngoài lộng hành?

 

Thời gian gần đây câu chuyện UBND Trà Vinh từng ban hành công văn chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering được tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh), lý do vì không tuyển được lao động người Việt Nam cũng làm dư luận đặt nhiều băn khoăn.

 

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội, ông Dương Quang Ngọc - Phó giám đốc Sở cho rằng,  phía Công ty China Chengda Engineering có chuyển thông tin tuyển dụng lao động đến sở và các phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, thành phố cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm. Toàn bộ vị trí tuyển dụng không phải lao động phổ thông mà là lao động kỹ thuật cao và chuyên gia.

 

Theo ông Ngọc, sau khoảng hai tháng đăng tuyển, số lượng lao động trong nước có rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển hoặc có gửi hồ sơ nhưng không đến phỏng vấn xin việc làm.

 

Tuy nhiên, cách làm của công ty đến từ Trung Quốc trên thực tế đã làm khó cho trung tâm giới thiệu việc làm. Cụ thể, ông Trịnh Minh Hùng, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Trà Vinh cho biết, phía Công ty China Chengda Engineering có chuyển thông báo “Tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3)” cho Sở Lao động - thương binh và xã hội.

 

Thông tin đính kèm các vị trí tuyển dụng của phía công ty Trung Quốc luôn mập mờ như tuyển “nhân viên kỹ thuật, nhân viên phòng thương vụ, nhân viên an toàn...” mà không nói rõ những thông số liên quan khiến trung tâm loay hoay trong thông tin đăng tuyển và cả người lao động tìm việc làm cũng không rõ.

 

Khi trung tâm chuyển hàng chục hồ sơ thì đợi mãi đến qua ngày phỏng vấn cũng không thấy phía công ty Trung Quốc trả lời, nhiều lần mời lên tận trung tâm lo miễn phí công việc tuyển chọn, phía công ty Trung Quốc cũng lẩn tránh.

 

Trước thông tin UBND tỉnh cho phép tuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc vào nhà máy, ông Tr. - người đã và đang có hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam cho một nhà thầu Trung Quốc bức xúc: “Trong khi lao động Việt Nam thất nghiệp chờ việc ở đây cũng rất nhiều mà lại đi tuyển lao động Trung Quốc".

 

Thậm chí, theo một cán bộ làm xuất khẩu lao động, thông tin cho rằng lao động Trung Quốc sang Việt Nam làm việc là lao động có tay nghề, kỹ sư, chuyên gia là phần lớn thì rất khó hiểu.

 

Trong khi Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường xuất khẩu lao động qua Nhật, họ làm lương cao, công việc tốt... “Nhưng hai năm trở lại đây, người lao động Trung Quốc cũng đã chê thị trường Nhật, không muốn đi xuất khẩu lao động qua Nhật, cớ gì họ lại bỏ xứ qua Việt Nam làm việc với mức lương thấp hơn, công việc khổ hơn.

 

Nói như vậy để thấy rằng lao động Trung Quốc qua Việt Nam làm việc chủ yếu là lao động tay nghề, còn chuyên gia, kỹ sư thì nên xem lại” - vị cán bộ này bức xúc.

 

Sự việc diễn biến trong thời gian tương đối dài, đến ngày 14/7,  ông Đồng Văn Lâm - chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định văn bản chuyển Sở LĐTB&XH chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering tuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là đúng quy định pháp luật.

 

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm cho đăng tuyển rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong và ngoài tỉnh biết về nhu cầu tuyển dụng này.

Theo Hà Anh

Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *