Đầu tư 11/10/2014 06:33

Biệt đãi ông lớn ngoại, DN nhỏ tủi thân

Rất nhiều chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư thường hướng đến các DN lớn, nhất là tập đoàn nước ngoài. Điều này gây ra sự phân biệt đối xử, bất lợi cho các DN nhỏ...

Tranh cãi không dứt

Mới đây, Bắc Ninh đã có cơ chế ưu đãi cho Công ty Samsung Display. Sau khi hết thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế TNDN gồm miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp, Samsung Display sẽ được giảm tiếp 50% cho 3 năm tiếp theo. DN này còn được hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng với số tiền hỗ trợ dự tính trên 286,9 tỉ đồng. Bắc Ninh cũng hỗ trợ đào tạo lao động là người Bắc Ninh với mức 1,5 triệu đồng/lao động.

Để hưởng ưu đãi này, Samsung Display phải đáp ứng các cam kết đầu tư công nghệ cao nhưng đây thực sự là mức ưu đãi 'khủng' mà trước SamSung không DN nào dám mơ tới.

Năm trước, Bắc Ninh đã gây tranh cãi khi chuyển hoạt động SamSung Bắc Ninh sang mô hình chế xuất khiến thuế hụt thu hàng trăm tỷ đồng. Năm qua, DN này xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD nhưng nộp thuế chỉ khoảng 50 triệu USD. DN Việt Nam gần như không tham gia được vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này. Điều này càng khiến cho những tranh cãi về ưu đãi lớn cho SamSung không dứt.

{keywords}

Samsung đang là doanh nghiệp nước ngoài được nhận ưu đãi rất lớn từ Bắc Ninh

Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa tại Hà Tĩnh cũng được ưu đãi thuế TNDN 10% từ năm có thu nhập chịu thuế; 4 năm miễn thuế TNDN và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế TNCN với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền...

Lãnh đạo một DN thép lớn ở Việt Nam chỉ mong được một phần ưu đãi như trên thì DN trong nước có thể xây dựng được những dự án tương tự. Tuy nhiên, thực tế DN nội, ngay cả việc tiếp cận và thuê đất cũng không dễ dàng khi xây dựng dự án lớn.

Đây là hai trường hợp gây tranh cãi về bất cập trong ưu đãi thuế giữa DN lớn nước ngoài và DN trong nước. Ngoài các ưu đãi chung đã quy định trong luật, các tỉnh cụ thể hóa ưu đãi đầu tư của họ dưới nhiều hình thức khác nhau từ giải phóng mặt bằng, quảng cáo, đào tạo người lao động...

Trong một hội thảo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói rằng, nhiều DN tư nhân Việt Nam tin chắc rằng nhiều tỉnh ưu tiên đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài hơn là phát triển DN dân doanh trong nước.

Chúng ta đang ưu đãi lớn để nhận được dự án nước ngoài mà thường chỉ chú ý đến quy mô như một thành tích trong khi 95% DN Việt Nam là vừa và nhỏ và cơ cấu vốn của DN thường là vốn vay tới 90%, chưa tính tới ưu đãi nhà nước cho nhóm DN này gần như là con số 0. Điều này khiến cho năng lực cạnh tranh trong nước không được nuôi dưỡng nên nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh.

Thực tế và hệ lụy

Chuyên gia Bùi Kiến Thành từng cho rằng, trước khi cấp phép và ban hành các chính sách ưu đãi cần phải cân nhắc. Không thể để chuyện DN trong nước muốn thuê vài héc-ta đất thì khó khăn trong khi các DN FDI cần bao nhiêu đất cũng có ngay... Chúng ta cũng phải xem lại, nhận nhiều ưu đãi nhưng các DN FDI đã đóng góp vào ngân sách hằng năm được bao nhiêu hay chỉ kêu lỗ, chuyển giá... Chúng ta ưu đãi quá nhiều, DN FDI vào đầu tư mà không phải nộp thuế, chỉ việc tính lãi rồi mang về nước thì đến một lúc nào đó họ sẽ tính đến chuyện tìm kiếm một nước có thể đầu tư lớn hơn, ở những khu vực có thể phát triển lợi nhuận hơn. Vậy VN lấy nền tảng nào để phát triển?

{keywords}

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư FDI đã gây ra sự phân biệt đối xử, bất lợi cho các DN nhỏ trong nước.

Khảo sát mới đây của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) cho thấy đa số các DN FDI nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương. Các chuyên gia UNIDO cảnh báo, các chính sách ưu đãi để thu hút FDI của Việt Nam có thể gây ra biến dạng hệ thống thuế, gây tốn kém cho ngân sách và có thể tạo ra hậu quả về sự cạnh tranh không bình đẳng với DN trong nước.

Trong trường hợp Samsung, Bắc Ninh ưu đãi kêu gọi tập đoàn này vào đầu tư là với kỳ vọng địa phương sẽ trở thành trung tâm điện tử của cả nước, có sức lan tỏa về phát triển kinh tế, thu hút các DN đầu tư công nghiệp hỗ trợ xung quanh... cũng là để làm thương hiệu thu hút các tập đoàn lớn khác trên thế giới.

Theo các chuyên gia từ Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính - thì cách làm này không sai và các nước đang phát triển thường áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế để định hướng thu hút đầu tư. Các ưu đãi cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, chúng ta đang tiêu tốn ngân sách, biến dạng chính sách để nhận được các dự án nước ngoài.

Tuy nhiên, có một thực trạng là các địa phương đua nhau ưu đãi cho các tập đoàn lớn, nhưng chỉ có 5% - 10% trong số đó đầu tư công nghệ hiện đại, còn lại chủ yếu là gia công để tận dụng nhân công giá rẻ. Đặc biệt, dù có nhiều ưu đãi nhưng việc thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn nhiều năm qua là thất bại...

Có thể thấy, hơn 30 năm mở cửa phát triển kinh tế, thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút được nhiều DN lớn đến làm ăn. Nhiều tập đoàn thậm chí còn chuyển từ quốc gia khác sang Việt Nam. Khối lượng công việc làm được là khá lớn. Tuy nhiên, việc thu thuế và học tập công nghệ nước ngoài dường như không mấy thành công.

Các tập đoàn nước ngoài thường lấy lợi thế quy mô và sử dụng lao động đòi hỏi các ưu đãi nhưng về lâu dài, để Việt Nam có thể phát triển thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển và ngay cả với các nền kinh tế trong khu vực, thì Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng tốt và nguồn tài chính ngân sách dồi dào để đầu tư cho phát triển.

Theo Tổ chức ActionAid, thuế là sức mạnh mang đến sự công bằng và sự phát triển cho xã hội. Sức mạnh của thuế nằm ở chỗ nó giúp Nhà nước đầu tư cho các dịch vụ công, y tế, xóa đói giảm nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đất nước phát triển nhờ vào nguồn thu thuế. Hiện tượng các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được hưởng ưu đãi quá lớn, trong khi hàng chục năm đóng góp không đáng kể vào ngân sách có thể trở vấn đề lớn khi mà họ đồng loạt rời Việt Nam mà không để lại gì, ngoài xác của nhà xưởng, máy móc để lắp ráp linh kiện.

Đó là hệ lụy lâu dài mà chúng ta phải tính đến.

Theo Mạnh Hà

VEF

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *