Đầu tư 21/08/2014 13:45

80% số người dân hài lòng dịch vụ hành chính công: Thật hay đùa?

"Trên 80% số người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và… rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay"...

Bất ngờ với những con số

80% số người dân hài lòng dịch vụ hành chính công: Thật hay đùa?

Nằm trong lộ trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 của Chính Phủ, Bộ Nội vụ (NV) chủ trì thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính công (DVHCC). Mục tiêu đặt ra của chương trình khá rõ ràng: Đến 2015 có trên 60% và đến 2020 có trên 80% số người dân bày tỏ sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Qua khảo sát thử nghiệm tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định trong khoảng đầu năm 2013 đến giữa năm 2014, ngày 20/8, Bộ NV công bố những con số. Chính những con số này đã gây nhiều bất ngờ trước tính xác thực, nhất là khi người trả lời khảo sát được “thù lao” và có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết, nên khi trả lời đã phải... hỏi lại cán bộ cho rõ.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, với tổng phiếu khảo sát là hơn 1.570 phiếu, kết quả cho thấy tỉ lệ người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các loại DVHCC lên đến 86%. Trong số đó, nhóm người sử dụng dịch vụ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được đánh giá mức độ hài lòng cao nhất với trên 89%; tiếp đến là sự hài lòng khi xin GCN đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình đạt 88%, cấp GCN đăng ký kinh doanh cho DN (Sở KHĐT) đạt trên 79%.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - GĐ Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, riêng lĩnh vực đất đai, kết quả 83% số người dân đánh giá là hài lòng và rất hài lòng. Lĩnh vực xây dựng có 80% số người dân khá hài lòng; tỉ lệ dân không hài lòng và không ý kiến chỉ chiếm 4%. Trong lĩnh vực y tế, BV Phụ sản Thanh Hóa đạt tỉ lệ tương đối với 72% số dân sử dụng dịch vụ hài lòng và rất hài lòng, chỉ có 23% không hài lòng. Có tới 77,5% những người đã khám và điều trị tại BV này cho biết, chắc chắn sẽ quay lại khi có nhu cầu.

46% số người thân quen của công chức... trả lời

Số liệu công bố đặt ra nhiều băn khoăn, bởi trong thực tế người dân vẫn kêu ca, phàn nàn rất nhiều về thái độ phục vụ hành chính công rất nhiêu khê và nhiều nhũng nhiễu. Tại buổi công bố, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng thừa nhận trên thực tế, việc tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công vẫn còn tình trạng thiếu kiểm tra, hướng dẫn đầy đủ nên có hiện tượng hồ sơ không đảm bảo yêu cầu nhưng vẫn được tiếp nhận, dẫn đến DN và người dân phải đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian, gây bức xúc cho người dân.

Lý giải vấn đề này, Bộ NV cho rằng số liệu trên chỉ mang tính thí điểm, phương pháp điều tra, dung lượng và cả số lượng điều tra cũng chưa thể mang tính khái quát, bởi mỗi tỉnh chỉ có hơn 1.500 phiếu điều tra. Bản thân “người trong cuộc” cũng thừa nhận quá trình điều tra còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Xuân Dũng cho hay, không ít người trả lời có trình độ học vấn thấp, khó trả lời chính xác hết nội dung bảng hỏi. Đặc biệt, việc trả lời phỏng vấn của người dân còn được trả thù lao, dẫn đến có sự nghi ngờ về độ xác thực của câu trả lời.

Không những thế, tại Phú Thọ, 46% số người được phỏng vấn thừa nhận là... người thân quen của công chức. Sở NV Phú Thọ cũng nêu ra một thực trạng là chỉ có 35,1% số cán bộ công chức nói lời xin lỗi với người sử dụng dịch vụ của mình, đồng thời có 6,9% lượt cán bộ công chức có hành vi tiêu cực nhận "phong bì".



Chương trình SIPAS đang được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh,
thành. Ảnh: Hải Nguyễn
Chương trình SIPAS đang được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước những bất cập trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – Thứ trưởng Bộ NV - cho hay, qua khảo sát thí điểm, bộ sẽ cân nhắc trong việc đưa ra phương pháp khảo sát hợp lý, khách quan nhất, từ đó kết quả sẽ làm căn cứ để quá trình cải cách hành chính thực hiện sát sao hơn. Việc chọn mẫu cũng được triển khai với số lượng lớn nhất có thể. Đặc biệt, sẽ có đơn vị độc lập hoàn toàn đứng ra đánh giá, thậm chí sẽ phúc tra kết quả khảo sát của địa phương.

Về thù lao chi trả cho người trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Dĩnh khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện và có tính toán kinh phí cụ thể, đồng thời kết quả khảo sát vẫn sẽ hoàn toàn minh bạch. Ngoài WB, các tỉnh cũng sẽ bỏ ra một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động này. Mục tiêu đề ra của năm 2015 và 2020 vẫn sẽ cố gắng đạt được, và hiện tại đã triển khai khảo sát toàn quốc.

“Công cuộc cải cách hành chính đã triển khai từ năm 2001 – 2010, vì thế đây là quá trình tiếp nối. Giai đoạn trước đã đạt được nhiều kết quả, tiến tới nền hành chính minh bạch, hiện đại, hiệu quả nên chúng tôi có cơ sở để tin rằng sẽ đạt được mục tiêu này” – ông Dĩnh khẳng định.

TP Hồ Chí Minh: Dịch vụ có tỉ lệ người dân hài lòng cao là giáo dục mầm non

Theo kết quả công bố của UBND TPHCM về khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về 10 dịch vụ công năm 2013, dịch vụ cấp chủ quyền nhà đất với 11,9% số phiếu nói “không hài lòng”, cao thứ nhất trong các dịch vụ công, đứng thứ hai là dịch vụ y tế có tỉ lệ “không hài lòng” với 7,5% số phiếu, nộp thuế thu nhập 5,7%, cấp phép xây dựng 4,9%, vận tải hành khách xe buýt 4,5%.

Đáng lưu ý, đa số các hộ dân được khảo sát chỉ hài lòng trên mức trung bình (lớn hơn 0) một chút đối với một loại hình dịch vụ công như vận tải hành khách bằng xe buýt (+0,26), thuế thu nhập cá nhân (+0,21), cấp chủ quyền nhà đất (+0,33). Một số dịch vụ có tỉ lệ hài lòng cao là giáo dục mầm non (+0,77), cấp nước (+0,68), thu gom rác (+0,61).

So với kết quả khảo sát năm 2008, sau 5 năm, dịch vụ thu gom rác và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã bị giảm tỉ lệ hài lòng lần lượt là giảm 8% và 19,5%. Riêng với dịch vụ y tế, tỉ lệ hài lòng đã giảm tới 16,2%, trong khi đó, tỉ lệ không hài lòng tăng 1,7%. Về phía doanh nghiệp, tỉ lệ “không hài lòng” cao nhất đối với dịch vụ đăng ký kinh doanh, chiếm tới 13,9% số phiếu.

Lê Tuyết

Theo Dương Hà
Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *