Đầu tư 27/05/2014 21:14

"Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể"

Ngày mai 28-5, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ĐB Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về dự án Luật này.

Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay?

 

Xét về mặt lâu dài, kể cả vừa qua có những diễn biến căng thẳng trên biển Đông thì Việt Nam vẫn đang được đánh giá là địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài tốt. Môi trường của chúng ta đang có cải thiện đáng kể, ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng tốt hơn; các yếu tố mang tính chất nền tảng cơ bản như dân số, chi phí lao động đều thấp, kể cả vấn đề đào tạo lao động. Tất nhiên hiện còn một số bất cập chúng ta đang tập trung giải quyết về công tác đào tạo lao động, cũng như tiếp tục quan tâm để cải thiện thu hút đầu tư.

 

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, môi trường đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện. Chúng ta hiện đang đứng trước thềm tham gia vào các tổ chức TPP, FTA, và một số khu vực trên thế giới… điều này đã khẳng định môi trường kinh doanh của chúng ta được đảm bảo. Nếu nhìn cả trong trung và dài hạn về cơ bản là tốt. Điều quan trọng là chúng ta xây dựng được môi trường đầu tư thuận lợi cho mọi chủ thể, cả DN khu vực trong nước và ngoài nước.

 

Như ông vừa nói, một trong bất cập hiện nay của chúng ta là vấn đề đào tạo lao động. Về lâu dài để cải thiện chất lượng lao động, cần phải làm gì, thưa ông?

 

Kỹ năng lao động của chúng ta trình độ trước đây còn thấp, nhưng nay khác rồi. Quan trọng là mục tiêu bây giờ chúng ta cần nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

 

Chính vì vậy, cần ưu tiên quan tâm hơn đến các dự án sử dụng nhiều công nghệ để có thể góp phần nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và nâng cấp được trong các thang bậc của chuỗi sản xuất toàn cầu, chứ nếu mãi ở thang bậc thấp như gia công lắp ráp thì cần có cơ chế chính sách để thu hút thêm nhiều dự án mang tính chất cạnh tranh về công nghệ và hiệu quả.

 

DN trong nước hiện nay cũng đang rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Cần xem xét, đánh giá thực trạng hiện nay, DN trong nước đang có nhiều khó khăn, cần nghiên cứu nguyện vọng của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nghiên cứu các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho DN trong nước. Chúng ta phải xem xét cơ chế lãi suất, cơ chế tỷ giá, môi trường kinh doanh, chính sách đất đai… để có chính sách phù hợp, hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này.

 

Xin cảm ơn ông! 

 

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Tính đến tháng 4-2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư, và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012.

Những con số trên đã minh chứng Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

(Trích bài viết “Việt Nam- Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đăng trên trang mạng chính thức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2014)

Theo Minh Anh

Báo Hải quan

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *