Đầu tư 16/01/2015 22:02

“Cấm cửa” Petro Vietnam rót tiền vào bất động sản và tài chính

FICA – Nghị định của Chính phủ nêu rõ, Công ty mẹ - PVN không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán…

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Nghị định quy định, trong trường hợp Công ty mẹ- PVN tạm thời sử dụng tiền nhàn rỗi các quỹ thuộc phạm vi quản lý để đầu tư và sản xuất kinh doanh thì phải đảm bảo đủ nguồn chi của các quỹ đó khi có nhu cầu sử dụng. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, Công ty mẹ - PVN phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát. Định kỳ 6 tháng, hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Công ty mẹ - PVN được phép huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của mình theo hình thức: phát hành trái phiếu, vay vốn của tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu của Công ty mẹ - PVN.

Nghị định cho phép Hội đồng thành viên Công ty mẹ - PVN quyết định hợp đồng vay vốn có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ phù hợp với các quy định của pháp luật và phải đảm bảo hệ số an toàn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ - PVN theo quy định.

Trường hợp Công ty mẹ - PVN có tổng nhu cầu huy động vốn vượt mức phân cấp nêu trên, Hội đồng thành viên Công ty mẹ - PVN phải báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt chủ trương trước khi quyết định. Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo với Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.

“Lỡ” đầu tư vào bất động sản, tài chính, buộc phải thoái toàn bộ

Theo quy định tại Nghị định, Công ty mẹ - PVN được quyền sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của mình để đầu tư ra ngoài Công ty mẹ. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài Công ty mẹ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, Nghị định cũng nêu rõ, Công ty mẹ - PVN không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Công ty mẹ - PVN có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái hết số vốn đã đầu tư theo quy định.

Công ty mẹ - PVN cũng không được đầu tư hoặc góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc và kế toán trưởng Công ty mẹ - PVN.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *