Thời sự 03/01/2015 07:47

Đầu tư 2015: Tận dụng cơ hội sinh lợi

Ẩn số giá dầu thế giới đang chi phối cơ hội của các kênh đầu tư cả tài sản lớn lẫn trị giá nhỏ, cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Nhưng nếu nhìn rộng ra trên thị trường, vẫn có nhiều "chìa khoá" để giải mã ẩn số này và tận dụng cơ hội sinh lợi...

Phải nói ngay là trong năm 2015, nếu tạm tính toán triển vọng trung hạn khi giá dầu thế giới tiếp tục duy trì mức thấp và còn xuống thấp hơn, khoảng ở ngưỡng 40-60 USD/thùng như dự báo của nhiều tổ chức kinh tế thế giới, sự suy thoái của đồng Rúp Nga cũng như sự tăng giá của đồng USD, sẽ có tác động rất nhiều đến lợi thế cạnh tranh của các DN nội địa và giá trị/thị phần của các DN xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do tác động này trong trung hạn chưa thể biểu hiện rõ ràng mà sẽ chỉ diễn ra trong dài hạn và nếu Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện được cam kết điều hành chính sách trong 2015 là: Đảm bảo kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ DN, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ lãi suất thấp và linh hoạt tỷ giá trong biên độ 2%... thì những biến số vĩ mô đều có thể dự đoán được và các kênh đầu tư theo đó, cũng có thể nhận diện cơ hội rõ ràng hơn.

Chứng khoán: Vẫn còn hấp dẫn

Với vị trí hàn thử biểu của nền kinh tế, chứng khoán cuối 2014 đang "rối" so với diễn biến ổn định và tăng trưởng xuyên suốt của thị trường trong hầu như suốt năm qua, ngoại trừ đợt biến động vào tháng 5 do sự kiện biển Đông. Tuy nhiên, việc "rối" thị trường trong đợt cuối năm này lại không có ý nghĩa thể hiện khoẻ hay đi trước chỉ báo của nền kinh tế, mà đơn giản chỉ là do yếu tố tâm lí của đám đông trên thị trường, đang chịu tác động của những yếu tố của những ngoại quan bên ngoài như giá dầu, đồng Rúp, và một phần tác động kĩ thuật của những mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá quá lớn có thể chi phối thị trường biến động "méo" kiểu “xanh vo, đỏ lòng” hoặc ngược lại.

Vì lẽ đó, sự suy giảm của thị trường cuối năm không đồng nghĩa dự báo một xu hướng kém khởi sắc của chứng khoán năm 2015. Theo đó, nhiều chuyên gia dự báo chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sinh lợi hấp dẫn của năm sau.

TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính phân tích một số các yếu tố thuận lợi khiến TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá  hấp dẫn hơn các nước khu vực dù đã tăng khá, là: Vn Index đang giao dịch ở mức 580 - 590 điểm và PE là 14.6x, thấp hơn so với PE của Indonesia (19.5x), Philippines (20.5x), Thailand (17.7x), Malaysia (16.2x), PE trung bình trong 5 năm và 10 năm qua của Vn Index lần lượt là 12x và 16x; Lợi nhuận của các Cty niêm yết dự đoán sẽ tăng 15 -17% trong năm 2015, sẽ giúp PE của Vn Index kéo xuống 12-13x, tăng độ hấp dẫn. Ngoài ra, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, gửi tiết kiệm hay BĐS đang được xem là kém hấp dẩn hơn chứng khoán. Bên cạnh đó kinh tế vĩ mô ổn định sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài. "Song bên cạnh đó, TTCK VN cũng đang tiềm ẩn các yếu tố rủi ro như,hiệu quả kinh doanh các cty niêm yết chưa bền vững, tăng thấp hơn mức tăng giá trong năm 2014. Do vậy, có khả năng tạo một đợt giảm làm suy giảm niền tin của nhà đầu tư; Kinh tế nội địa năm 2015 vẫn còn khó khăn sẽ giảm động lực tăng trưởng TTCK. Vì vậy, năm 2015 sẽ có đợt tăng điểm mạnh nhắm đến mức 700 điểm. Tuy nhiên chu kỳ tăng trưởng không kéo dài với vài đợt sóng như 2014, và VN indxex 2015 sẽ ở mức 600 - 620 điểm" - TS Hiển nói.

Đồng quan điểm, ông Andy Hồ - GĐ Điều hành Quỹ đầu tư Vina Capital chia sẻ quan điểm với DĐDN: Thị trường đang có rất nhiều mã cổ phiếu có PE từ 10x đến dưới 10x và có tiềm năng tăng trưởng. Chỉ cần so sánh với lãi suất ngân hàng đang ở mức 5 - 7% tính cả kì hạn gửi 1 năm với lãi suất thoả thuận thì các mã cổ phiếu đó chỉ cần tính cổ tức đã cho lợi nhuận cao hơn. "Do đó đầu tư vào những mã cổ phiếu này sẽ có tỷ suất sinh lợi bảo đảm và an toàn. Ngoài ra với những nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi, đầu tư dài hơi và không có khả năng chấp nhận rủi ro cao, thì đầu tư chứng chỉ quỹ là lựa chọn hợp lí và hiệu quả".

Bất động sản: Đầu tư phân khúc "ấm cục bộ"

Cũng theo ông Andy Hồ, năm 2015, kênh đầu tư khởi sắc nhất chính là BĐS.  "Thị trường địa ốc đang có lợi thế kép. Đó là lạm phát thấp, lãi suất thấp và các chính sách đang rất hỗ trợ thị trường. Theo đó chủ đầu tư sẽ có cơ hội vay vốn để phát triển, hoàn thiện dự án, người mua nhà cũng có cơ hội vay vốn lãi suất thấp và duy trì trong dài hạn để đầu tư/ sở hữu nhà ở. Điều này sẽ khiến thị trường BĐS có thanh khoản tốt, cũng như dự đoán thêm cổ phiếu của DN BĐS cũng sẽ tăng trưởng tốt hơn". 

Một cách thận trọng nhưng không kém phần lạc quan, TS Đinh Thế Hiển cho biết, các kênh đầu tư an toàn như mua vàng, gửi tiết kiệm USD và VNĐ đều kém hấp dẩn trong năm 2014 và dự kiến tiếp tục xu thế giảm trong năm 2015. Do vậy một bộ phận nhà đầu tư sẽ chuyển vốn từ các kênh này đầu tư vào BĐS. Cùng với đó, các yếu tố như tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh với lãi suất cho vay trong xu thế giảm giúp tăng sự chọn lựa mua nhà; Thị trường BĐS được xem đã kết thúc giai đoạn giảm giá và bắt đầu phục hồi sẽ tăng sức thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước; Hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn của VN đang được đầu tư mạnh, đặc biệt hạ tầng các khu đô thị mới Q2, Q9. Q7 (Tp.HCM ) sẽ tạo động lực tăng  giá. "Lưu ý vẫn sẽ có một số yếu tố cản trở thị trường địa ốc tăng mạnh như: Kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục, sức cầu còn yếu và niềm tin của người dân vẫn chưa cải thiện ảnh hưởng đến sức mua; Các ngân hàng vẫn trong quá trình xử lý nợ, trong đó có lượng lớn là BĐS. Đặc biệt, xét về nguồn lực, thị trường BĐS Việt Nam chưa có nguồn vốn đầu tư lớn, bền vững và dài hạn như các nước phát triển với các Quỹ tín thác BĐS, Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ mở... Do vậy, thị trường BĐS vẫn chưa có nguồn vốn đầu tư vững mạnh. nguồn cung lớn ở một số phân khúc cũng sẽ khiến thị trường khó tăng giá mạnh. Chính vì vậy, sự phục hồi BĐS sẽ khó diễn ra trên diện rộng mà chỉ tập trung ở những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế tốt, hạ tầng và môi trường sống thuận lợi. Những khu vực ở xa, chưa kết nối đầy đủ hạ tầng và tiện ích sinh sống sẽ khó tăng trưởng, thậm chí tiếp tục suy giảm. Phân khúc căn hộ trung cấp tại vị trí tốt sẽ thuận lợi hơn so với nhà xã hội ở khu vực xa trung tâm. Đây cũng sẽ là phân khúc được chủ đầu tư và khách hàng chú trọng trong năm tới",ông Hiển nói.

Các kênh đầu tư khác

Chứng khoán được dự đoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2015. Và bất động sản được kỳ vọng, nhưng mang tính cục bộ.

* Trái phiếu: Nếu như TTCK và BĐS được dự báo sẽ tiếp tục sinh lợi, thì kênh trái phiếu - một hàng hoá khác không được kì vọng cao. Nguyên do là thị trường trái phiếu VN chủ yếu vẫn đang được phát triển bởi trái phiếu Chính phủ. Và trái phiếu Chính phủ có lợi suất đi theo đường cong lãi suất ngân hàng. Lãi suất ngân hàng thấp, lợi suất trái phiếu khó tăng. Ngoài ra việc các TCTD bị hạn chế đầu tư trái phiếu theo quy định Thông tư 36 của NHNN cũng có khả năng tác động thanh khoản của thị trường trái phiếu. Nhưng đây lại cũng là cơ hội để tham gia và tạo lập lại sân chơi trái phiếu của quỹ mở và các nhà đầu tư lớn mà không phụ thuộc các NH.

* Vàng: Kênh đầu tư vàng tại VN đã đi vào quỹ đạo kiểm soát chặt cả về giao dịch lẫn thị giá kể từ năm 2013, khi Nghị định 24 NQ-CP được thực hiện tối ưu cùng các giải pháp mạnh. Do đó, với các nhà đầu tư cá nhân, vàng gần như chỉ còn được lựa chọn trên sân chơi nữ trang, hoặc sân chơi nội bộ tính theo giá vàng thế giới và hạn mức đầu tư kí quỹ trên vàng vật chất của một số Cty vàng lớn. Do sân chơi nội bộ không dành cho đại chúng nên chúng tôi không phân tích. Riêng với sân chơi vàng nữ trang, ít nhiều vẫn phụ thuộc giá vàng quốc tế - và lại đang phụ thuộc vào chiều lên của USD cũng như chiều xuống của giá dầu thế giới, trên bình diện điều chỉnh bất tuân quy luật "bình thông nhau". Theo đó, dù giá dầu giảm mạnh, USD đã tăng nhưng vẫn sẽ còn tăng do sức hấp dẫn còn dư địa trong bản thân giá vàng vẫn chưa đạt mức điều chỉnh cần để chững lại do biên độ thẳng tiến quá lớn trong những năm qua. Khiến giá vàng cũng khó bật lại dù dầu đã và đang giảm. Đầu tư vàng nữ trang tại VN theo đó, cần sự thận trọng cũng như tính toán trong tương qua với cả giá vàng, dầu quốc tế, lẫn tương quan các biến số vĩ mô của kinh tế, mà quan trọng nhất là chỉ số lạm phát.

* Ngoại hối: Đầu tư ngoại hối ngoài vàng, ở Việt Nam chủ yếu tập trung quanh đồng USD. Với biên độ "chỉ tiêu" sẽ chỉ giao động trong 2%, tỷ giá cặp VNĐ-USD ổn định đang là một thách thức với các nhà điều hành trong bài toán đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho DN, đặc biệt DN xuất khẩu, điều tiết cung tiết để kích thích tăng trưởng và vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời với nỗ lực chủ động ổn định tỷ giá lúc đồng tiền nội địa vẫn "neo" vào đồng bạc xanh đang lên. Đầu tư USD trên thực tế cũng phải là kênh được Nhà nước rộng cửa,nay lại càng không phải là kênh mà các nhà đầu tư nên lựa chọn trong năm 2015.

* Gửi tiết kiệm: Với lãi suất thực dương của năm 2014 và khá cao so với gửi USD 3,3%, gửi lãi suất tiết kiệm VND trong năm 2015 được kì vọng vẫn có khả năng đạt mức 7% tương đương năm cũ, nếu lạm phát tăng và trần lãi suất huy động điều chỉnh. Dù vậy, đây vẫn sẽ chỉ là lựa chọn an toàn trong bối cảnh DN và nhà đầu tư chưa thực sự chọn được kênh xuống tiền ngắn hạn.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *