Thời sự 17/07/2021 09:05

Đau đầu vì giấy thông hành, vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động

Hiện nay một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" trên địa bàn khi áp dụng giãn cách xã hội, vì vậy việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - nêu thông tin trên tại cuộc họp giao ban trực tuyến tối 16/7 giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về công tác vận tải hàng hóa.  

Theo ông Văn Huyện, đến nay, tất cả tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đều đã lập chốt kiểm dịch với tổng số 72 chốt trên các tuyến quốc lộ, vị trí giáp ranh giữa các địa phương.

"Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" trên địa bàn của tỉnh nên khi áp dụng giãn cách xã hội khiến việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động" - ông Huyện nhấn mạnh.

Trong khi đó, 4 trạm dừng nghỉ Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị tổ chức thí điểm trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang cũng chưa thể triển khai do địa phương chưa có phương án và lực lượng để lập chốt kiểm soát y tế tại trạm.

Đau đầu vì giấy thông hành, vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động - 1

Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xem xét gỡ bỏ, giảm bớt các chốt trên "luồng xanh" quốc gia và chỉ tổ chức các chốt trên các tuyến đường nội tỉnh (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị công nghệ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức vận hành phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" cho ô tô vận tải hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.

"Dự kiến từ ngày 19/7, Tổng cục sẽ triển khai áp dụng tại 63 Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải để thực hiện đăng ký và cấp trực tuyến giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách hoạt động trên các "luồng xanh"" - ông Huyện nói.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, tính đến chiều 16/7, cơ quan chức năng thành phố đã cấp 3.167 thẻ nhận diện phương tiện. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, số thẻ được cấp là 32.700 xe cho 55 đơn vị vận chuyển hàng hóa đi - đến TPHCM.

Nắm bắt tình hình nói trên, để đảm bảo thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu gây tăng giá, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phải chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" hàng hóa của tỉnh để triển khai ngay khi có yêu cầu giãn cách.

Đặc biệt, để hạn chế việc lưu thông gián đoạn do phương tiện phải dừng lại kiểm tra nhiều lần tại các chốt kiểm soát trên lộ trình di chuyển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động làm việc ngay với địa phương rà soát lại tất cả các chốt trên các "luồng xanh", xem xét gỡ bỏ, giảm bớt các chốt trên "luồng xanh" quốc gia và chỉ tổ chức các chốt trên các tuyến đường nội tỉnh.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu xem xét phương án các phương tiện đã được cấp QR code và niêm yết trên kính xe được phép lưu thông mà không cần phải kiểm tra bắt buộc, có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Nếu phát hiện doanh nghiệp, lái xe nào vi phạm các quy định về y tế như không có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm hết hiệu lực phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với phương án lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam  phải làm việc với từng địa phương để thống nhất phương án lập trạm dừng nghỉ, cần thiết ban hành hướng dẫn tạm thời để quy định sẽ cung ứng dịch vụ thiết yếu nào cho lái xe phải đi kèm với phương án đảm bảo phòng chống Covid-19 tương ứng.

Về phương án mở "luồng xanh" đường thủy của TPHCM, tận dụng các tàu cao tốc du lịch đang tạm dừng hoạt động để vận chuyển hàng hóa thực phẩm, rau củ quả, Bộ trưởng GTVT nhất trí cao và yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành liên quan nhanh chóng phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục để cấp phép hoạt động theo đúng quy định.

Mở "luồng xanh" đường thủy được đánh giá là giải pháp hiệu quả để tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của khu vực miền Nam, đảm bảo vận chuyển nhanh chóng, thông suốt và hạn chế tiếp xúc.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo của Bộ GTVT do một Thứ trưởng làm Trưởng ban và chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất công tác vận tải hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *