Thời sự 16/04/2018 13:03

Đánh thuế tài sản: Dân còn nghèo, đừng viện nước ngoài thu thì ta thu!

heo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, mỗi lần đưa ra chính sách mới, cơ quan quản lý thường đưa chính sách của các nước ra để so sánh và áp dụng mức “tương đương”. Nhưng thực tế điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân Việt Nam lại rất khác.

Đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất và nhà có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng của Bộ Tài chính mới đưa ra gần đây đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ phía chuyên gia và người dân.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, một lập luận “quen thuộc” được cơ quan soạn thảo đưa ra là việc đánh thuế đất, thuế nhà ở là phù hợp với kinh nghiệm, thông lệ quốc tế.

Cụ thể, tại dự thảo tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính cho biết: "Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản.

Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2% GDP".

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án được tính đến khi áp dụng tại Việt Nam là 0,3% và 0,4%. Đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.

Theo chuyên gia Bùi Trinh, dường như mỗi lần đưa ra chính sách mới dễ gây phản ứng, cơ quan quản lý thường đưa chính sách của các nước ra để so sánh và áp dụng mức “tương đương”. Nhưng thực tế điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân Việt Nam lại rất khác.

“Chẳng hạn, các nước không sử dụng trên 70% tổng chi để chi thường xuyên; họ cũng đâu có lấy tiền thuế để xây cổng chào trăm tỷ, tượng đài ngàn tỷ; không lấy tiền thuế để đầu tư công gây lãng phí và các nước cũng không có những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ như Vinashin, Vinalines… Do đó, đừng so sánh với các nước!”, ông Bùi Trinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo dự thảo người dân có căn nhà đầu tiên từ 700 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế như vậy sẽ đánh vào phần lớn những người nghèo. “Có khi dành dụm cả đời mới mua được căn nhà và nay phải tiếp tục chật vật đóng thuế”, ông Trinh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, lý thuyết chung của kinh tế thì thuế là “kẻ thù” của tăng trưởng GDP và mỗi lần điều chỉnh chính sách thuế cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng tác động ảnh hưởng đến người dân. Các thống kê cho thấy, tổng thu nhập của người dân hiện chỉ bằng khoảng 94% tổng tiêu dùng, phản ánh mức thu nhập của phần lớn người dân hiện không đủ sống.

Bên cạnh đó, thuế là một trong những chính sách quan trọng của kinh tế vĩ mô và chính sách công nên cần hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội. Theo ông Bùi Trinh, vừa qua hàng loạt chính sách thuế được dự kiến sẽ áp dụng thêm như tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, đề xuất tăng thuế GTGT… nếu thực thi như vậy sẽ “bào mòn” sức dân.

Chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, muốn đưa ra bất kỳ một chính sách thuế mới cần nghiên cứu thực nghiệm, tác động ảnh hưởng đến bộ phận người dân. Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế tài sản đối đất, nhà ở là "phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước", khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, bảo đảm thuế tài sản là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.

“Tuy nhiên, một trong những câu hỏi quan trọng trong kinh tế vĩ mô và tài chính công là làm thế nào thay đổi trong chính sách thuế để ảnh hưởng tốt đến hoạt động kinh tế và phúc lợi xã hội. Trong lý thuyết, người ta thường cho rằng, các loại thuế có mối tương quan âm với tăng trưởng - thuế cao hơn nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn”, ông Trinh nói.

“Một vị chuyên gia từng ví von những người nghèo như những con chim bay ở cuối đàn chim, tốc độ bay đến đích của đàn chim không phải phụ thuộc vào những con khỏe nhất ở đầu đàn mà thực ra phụ thuộc vào những con yếu nhất ở cuối đàn. Vấn đề là gì khi những con đầu đàn khỏe mạnh bỏ rơi những con chim cuối đàn lại phía sau? Lúc đó đàn chim không sẽ còn là đàn chim nữa mà chỉ là mấy con chim!”, ông Bùi Trinh nhấn mạnh.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *