Thời sự 17/06/2014 20:56

Dài cổ chờ vay tín dụng bảo lãnh

Sau 10 năm triển khai, đến nay, cả nước mới có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 512 tỉ đồng, doanh số bảo lãnh lũy kế đạt hơn 2.976 tỉ đồng.

Được thành lập với mục đích cấp bảo lãnh tín dụng (bảo lãnh vay vốn) cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa đã được thành lập ở nhiều địa phương, nhưng lại chưa có nhiều tác dụng trong việc giúp cho DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Nhiều nơi chưa thành lập quỹ

Theo Bộ Tài chính, đến nay, cả nước mới có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động sau hơn 10 năm triển khai. Tính đến ngày 31-12-2013, vốn điều lệ của 10 quỹ bảo lãnh tín dụng đạt 512 tỉ đồng, doanh số bảo lãnh lũy kế đạt hơn 2.976 tỉ đồng.

Bên cạnh việc góp phần tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để duy trì, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế. 

Hiện nhiều quỹ còn chưa đủ vốn điều lệ, các ngân hàng (NH) thương mại lại chưa tích cực tham gia góp vốn. Bản thân các quỹ cũng chưa thu hút được sự đóng góp của các DN trên địa bàn. Có địa phương có nhu cầu thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng chưa bố trí nguồn để thành lập, có nơi đã thành lập quỹ nhưng nguồn vốn nhỏ, không bổ sung vốn điều lệ… 

Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng nguồn thu cổ phần hóa từ các DN địa phương (phần phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN) để tăng cường nguồn lực tài chính quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.

Mạnh dạn cho vaytín chấp

Trong bối cảnh hiện nay, đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế là một thách thức lớn do khả năng hấp thụ vốn của khu vực sản xuất rất hạn chế. Các NH thương mại nhận định 2 đối tượng khách hàng quan trọng hiện nay là DN nhà nước và DN nhỏ và vừa đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. DN nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu, không mở rộng sản xuất; còn DN nhỏ và vừa cũng đang co cụm lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trong khi đó, bản thân các NH đang bị nợ xấu ngáng đường không thể tăng trưởng tín dụng dễ dãi.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN; NH Nhà nước đang chỉ đạo các NH thương mại chủ động tiếp cận các DN để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích các NH thương mại áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay tín chấp.

Không ít NH đang nỗ lực cho vay tín chấp dựa vào bảng xếp hạng tín nhiệm. Về nguyên tắc, cho vay tín chấp vẫn phải thẩm định chặt chẽ năng lực trả nợ nên trong bối cảnh DN vẫn bí đầu ra, kinh tế chưa hồi phục mạnh mẽ thì cho vay tín chấp cũng còn nhiều kết quả hạn chế khi NH vẫn bị ám ảnh bởi nợ xấu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tín dụng vào sản xuất thông qua kênh dẫn vốn là các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ có hiệu quả nếu các quỹ này được vận hành tốt.

250 tỉ đồng cho quỹ dự phòng rủi ro tại VDB

Tại NH Phát triển Việt Nam (VDB), với hoạt động của định chế tài chính này đã có hàng ngàn DN nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn tại NH với doanh số bảo lãnh là 10.692 tỉ đồng. Để tăng cường nguồn lực tài chính cho dự phòng rủi ro của VDB, Bộ Tài chính đã cấp bổ sung vốn cho quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh vay vốn tại VDB số tiền 250 tỉ đồng.


Theo Hà Linh

Người lao động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *