Thời sự 16/12/2013 17:42

Đã xử lý gần 106 nghìn tỷ đồng nợ xấu

FICA - Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày hôm nay 16/12/2013, VAMC đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc.

 

Trong buổi họp báo tổng kết năm diễn ra tại Hà Nội vào chiều nay 16/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến ngày hôm nay 16/12/2013, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc, 22.863 tỷ đồng giá mua của 26 tổ chức tín dụng. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2013,VAMC mua được khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Cụ thể, tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các TCTD tích cực giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện thị trường và hoàn cảnh của khách hàng vay. Đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là 316,8 nghìn tỷ đồng. “Điều này góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, đồng thời giảm bớt gánh nặng trả lãi phạt do nợ quá hạn”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Đề cập tới Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã được triển khai theo đúng lộ trình đề ra và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, tái cơ cấu được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về cơ chế, chính sách, tài chính, quản trị, hoạt động đối với tất cả các nhóm TCTD cả trong nước và nước ngoài. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Đến nay,số lượng TCTD giảm đi 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; Ngân hàng Nhà nước cũng đã thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chuyển đổi hình thức3 chi nhánh, chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã.

 

Cùng với đó,an toàn của hệ thống TCTD được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được giảm dần, khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, chi trả đầy đủ, kịp thời, kể cả ở một số NHTM cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại.

Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã từng bước lành mạnh hóa tài chính, trọng tâm là tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

“Hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát và tiết giảm chi phí hoạt động kể cả chi lương, thưởng và cổ tức để tăng khả năng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Nhờ đó, nợ xấu của các TCTD đã từng bước được xử lý, chất lượng hoạt động của các TCTD được nâng lên”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *