Thời sự 12/01/2015 20:50

Có những năm tín dụng tăng trên 53,8%

FICA – Những năm trước khi Việt Nam mới gia nhập WTO, tín dụng thường tăng trên 30%, có những năm tín dụng tăng trên 53,8%... là hệ lụy gây nên nợ xấu hiện nay.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2015”,  bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu hiện nay là hệ quả của nhiều năm trước, khi mà hệ thống ngân hàng được hình thành mạnh mẽ về số lượng. Từ năm 2007, khi chúng ta gia nhập WTO, rất nhiều doanh nghiệp được thành lập, nhiều dự án đầu tư lớn, việc cấp tín dụng cũng từ đó bùng nổ.

“Thời điểm đó, tín dụng thường tăng trên 30%, có những năm tín dụng tăng trên 53,8% như năm 2007. Rõ ràng nó có những hệ lụy nhất định. Thời điểm cách đây 3 năm, ngành ngân hàng đã xây dựng công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có xây dựng nợ xấu là trọng tâm. Ngành ngân hàng phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân từ doanh nghiệp, vĩ mô, tăng trưởng tín dụng và nhiều nguyên nhân đến từ các yếu tố khác”, bà Hồng cho hay.

Cũng theo bà Hồng, sau khi nhận diện đầy đủ nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt, bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đối với những khoản cho vay mới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD phải hết sức hạn chế nợ xấu mới phát sinh nên bản thân các TCTD cũng hết sức thận trọng.

Đề cập tới công cụ xử lý nợ là VAMC, theo bà Hồng, VAMC chỉ là 1 trong những giải pháp xử lý nợ xấu chứ “không phải là có công cụ này thì chúng ta sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề về nợ xấu, nhất là trong điều kiện Việt Nam không có ngân sách hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu”.

Theo bà Hồng, cách thức sử dụng VAMC là công cụ phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. “Qua kết quả xử lý nợ xấu của VAMC trong 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có phối hợp với các bộ ban ngành để xử lý những vướng mắc. Đây là công cụ mới, ta chưa bao giời làm nên vừa làm, đánh giá tổng kết, vừa chỉnh sửa”, bà Hồng chia sẻ.

Bà Hồng cũng cho biết, hiện nay, nội dung mà Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành đã có văn bản trình Chính phủ. Khi có ý kiến chính thức từ Chính phủ thì sẽ có sửa đổi Nghị định 53 về xử lý nợ xấu.

“Hy vọng Nghị định này ra đời sẽ tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về pháp lý, cản trở quá trình xử lý nợ xấu. ngành ngân hàng cũng quyết tâm để mà xử lý nợ xấu, tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu để đưa nợ xấu xuống 3% trong cuối năm nay. Tuy nhiên, tôi cũng đề cập, nợ xấu là của nền kinh tế, nên cũng đòi hỏi nỗ lực của các bộ ngành, của chính bản thân các TCTD, doanh nghiệp”, bà Hồng phân tích.

Về tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết, tính đến cuối năm 2014, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14%. “Thường tín dụng tăng chậm đầu năm, cuối năm thường tăng cao. Do cũng do tính quy luật. Nhất là dịp tết, doanh nghiệp chuẩn bị vốn, dự trữ hàng hóa tết tăng cao”, bà Hồng bình luận.

Theo bà Hồng, với sự tăng trưởng trở lại của tín dụng trong những tháng qua, thì giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành đã phát huy tác dụng, doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.

“Quan hệ doanh nghiệp – ngân hàng, đây là quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp, nếu có khách hàng đủ điều kiện vay vốn thì ngân hàng sẽ cho vay vốn. Bản thân ngân hàng, nếu khách hàng có đủ điều kiện thì sẽ cho vay, nếu không đủ điều kiện cho vay thì rõ ràng, đó là vi phạm pháp luật. Chúng ta thấy được bài học tín dụng của Mỹ thời gian qua, là bài học quan hệ tín dụng dưới chuẩn. Đây là bài học lớn đối với các TCTD. Cho nên, bản thân các ngân hàng cũng cẩn trọng”, bà Hồng phân tích.

Theo đánh giá  của bà Hồng, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã có sự cải thiện về tài chính, thị trường đầu ra cũng có sự cải thiện thì cũng tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

“Tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, thì không chỉ bản thân ngân hàng, mà rất mong mỏi sự cổ gắng của các doanh nghiệp, đó là tăng sự quản trị tốt dòng tiền, và có sự đánh giá dà soát những dự án và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Có một số doanh nghiệp trong khó khăn hiện nay nhưng mà họ biến khó khăn thành cơ hội”, bà Hồng bình luận.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *