Thời sự 01/05/2015 14:00

Cổ đông ngân hàng bức xúc chuyện chia cổ tức

Mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay, cổ tức chính là vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều nhất, bởi giá cổ phiếu ngân hàng nhiều năm qua không tăng, cổ đông chỉ còn trông chờ vào cổ tức.

Cổ đông ngân hàng bức xúc chuyện chia cổ tức

Phương án chi trả cổ tức dự kiến của các ngân hàng phải gửi về NHNN xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai

 

Thế nhưng, HĐQT một số nhà băng quyết định không chia lợi nhuận mà tập trung nguồn lực tái cơ cấu. Số còn lại có chia nhưng chỉ ở mức thấp theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức cổ tức cao nhất không quá 9%.

Không chỉ với nhà băng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng lớn cũng điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông xuống mức thấp hơn so với dự kiến. Đồng thời, các ngân hàng cho biết, muốn chia cổ tức ở mức cao cũng khó. Nguyên nhân là do nợ xấu tăng nên phải tăng nguồn trích dự phòng khiến lợi nhuận giảm, bởi vậy cổ tức cũng thấp hơn.

Thêm vào đó, phương án chi trả cổ tức dự kiến của các ngân hàng phải gửi về NHNN xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai. Vì thế, không chỉ các ngân hàng không có khả năng chi trả cổ tức mà muốn chia cổ tức cao cũng không dễ. Tuy nhiên, sẵn chủ trương này, một số nhà băng đã có cơ hội nói “không” với cổ tức.

Chẳng hạn với SouthernBank, nhà băng này vừa tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2015, so với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm 2014, SouthernBank chỉ hoàn thành được 2%. Sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận còn lại của SouthernBank chỉ còn 1,2 tỷ đồng nên HĐQT quyết định không chia cổ tức cho các cổ đông. Trong khi đó, cổ đông của nhà băng này đã mòn mỏi chờ đợi mà vẫn không nhận được một đồng cổ tức nào trong suốt 3 năm qua. Thế nhưng, mức thù lao HĐQT, Ban kiểm soát nhà băng này vẫn được chi trả như kế hoạch đưa ra đầu năm là 13,7 tỷ đồng.

Còn tại ĐHCĐ Saigonbank diễn ra ngày 24/4, một số cổ đông thắc mắc tại sao năm 2014, ngân hàng này đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia 3,5%, nhưng khi ra trình đại hội chỉ còn 3% và chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 lại giảm đến 78% so với năm trước đó.

Trong kỳ ĐHCĐ của các ngân hàng năm nay, vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng, lợi nhuận thấp không còn tiếp tục làm nóng nghị trường đại hội, thay vào đó là mức chi trả cổ tức. Chẳng hạn tại ĐHCĐ Nam A Bank diễn ra ngày 17/4, các cổ đông của nhà băng này đã chất vấn chuyện lợi nhuận cao, cổ tức thấp. Nhiều cổ đông cho rằng, năm qua lợi nhuận Nam A Bank tăng cao hơn 30% chỉ tiêu đưa ra, đạt 243 tỷ đồng, nhưng chia cổ tức chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước là điều chưa thoả đáng.

Một cổ đông khác của Nam A Bank cũng thắc mắc tại sao mức cổ tức năm nay lại chia có 4%, quá thấp so với các năm trước (mức chia là 7 - 9%). Cổ đông này cho rằng, đầu tư vào ngân hàng là mong cuối năm được lĩnh cổ tức, nhưng mức lợi nhuận 4% không bằng lãi suất tiết kiệm, chưa kể trượt giá, lạm phát.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, HĐQT Nam A Bank cho biết, lúc đầu Ban lãnh đạo muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn, nhưng sau khi trình NHNN thì chỉ được duyệt mức chia cổ tức thống nhất ở 4%. Trước đó, cổ tức năm 2014 được HĐQT HDBank trình ĐHCĐ thông qua mức 5% bằng cổ phiếu, thấp hơn so với mức dự kiến ban đầu. Mặc dù chấp nhận tỷ lệ cổ tức thấp hơn so với kế hoạch đưa ra, nhưng cổ đông HDBank chỉ muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Ở một số ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, chủ trương của HĐQT đưa ra là không chia cổ tức. Tại ĐHCĐ SCB ngày 26/4, nhiều cổ đông thắc mắc vì sao 3 năm qua ngân hàng không chia cổ tức? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SCB cho biết, trong giai đoạn hiện nay, cổ đông bức xúc về vấn đề cổ tức như vậy là hoàn toàn dễ hiểu. HĐQT SCB chia sẻ những nỗi buồn phiền với cổ đông trong vấn đề cổ tức, nhưng nhà băng này cũng mong muốn cổ đông nhìn nhận về kết quả tái cấu trúc SCB trong thời gian vừa qua. Mặt khác, nếu chia cổ tức trong giai đoạn này thì mức chia cũng không được bao nhiêu nên SCB chưa thực hiện.

Ở một số ngân hàng khác, tỷ lệ chia cổ tức cũng không đạt mức kế hoạch ban đầu. VIB chia cổ tức ở mức 9%, thay vì ở mức 11% như dự kiến; hay tại LienVietPostBank, cổ tức chia cho cổ đông là 6%, thấp hơn so với kế hoạch.

Trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức trong mùa ĐHCĐ năm nay, các ngân hàng cho biết, muốn chia cổ tức cao cũng không được, mà phải thực hiện đúng mức NHNN phê duyệt. Còn việc căn cứ vào đâu NHNN lại duyệt mức cổ tức, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng đưa ra 3 lý do khiến NHNN khống chế cổ tức.

Thứ nhất, Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng qui định cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức, nhưng cũng theo luật này, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Thứ hai, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng thông qua, trong đó có quy định phải đảm bảo tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, trong đó lợi nhuận để lại cũng là một hình thức tăng vốn và nâng cao năng lực quản trị điều hành.

Căn cứ thứ ba là trong nội tại hoạt động của từng ngân hàng, phải đặt lên trên yêu cầu an toàn cho các nhà băng, nâng cao năng lực tài chính, an toàn vốn; nếu có rủi ro thì phải có nguồn dự phòng để xử lý. NHNN đã đứng ở góc độ hài hòa mọi lợi ích trong tổng thể nên quyết định duyệt cổ tức ngân hàng năm nay. Hiện nhiều ngân hàng vẫn chưa được phê duyệt tỷ lệ cổ tức cụ thể.

Theo ông Dũng, một số ngân hàng đã được NHNN phê duyệt tỷ lệ cổ tức năm 2014 gồm: ACB chia cổ tức 7%; Nam A Bank 4% (thay vì 9% như đề xuất của HĐQT ban đầu); HDBank chia ở mức 5% bằng cổ phiếu;

Saigonbank chia cổ tức 3% và VietCapital Bank được NHNN phê duyệt chi ở mức 1,5%...

Trên thực tế, một số ngân hàng dù lợi nhuận cao nhưng vẫn chưa được chia cổ tức, dù có kế hoạch chia cổ tức trên 10%. Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế năm vừa qua trên 2.800 tỷ đồng và kế hoạch chia cổ tức 2014 ở mức 12% cho cổ đông. Tuy nhiên, mức cổ tức này của Sacombank vẫn đang chờ ý kiến NHNN.                                                                               

Theo Thùy Vinh
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *