Thời sự 20/08/2014 08:45

Chọn lọc khi nới cho vay tín chấp

Không kiểm soát được dòng tiền, ngân hàng sẽ dễ dàng phát sinh thêm nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các NH xây dựng quy trình để đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp. Hầu hết các chuyên gia cho rằng việc mở rộng cho vay tín chấp là tín hiệu tốt nhưng NH phải kiểm soát được dòng tiền để tránh nợ xấu mới phát sinh.

Nhiều phương án cho DN không có tài sản đảm bảo

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện các NH đang thực hiện triển khai xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp. Chỉ số tín nhiệm của DN càng cao thì khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng dễ dàng hơn.

Theo TS Trần Du Lịch, từ năm 2014, DN được chia làm ba nhóm. 30% là số DN làm ăn tốt có lãi, đóng thuế thường xuyên và thậm chí đang mua lại các DN khác. Với nhóm này Nhà nước không phải quan tâm. Tiếp đến, khoảng 30% những DN đang vướng vào nợ nần, mất thị trường, chống chọi khó khăn. Nhóm này Nhà nước cần hỗ trợ để họ thoát khỏi khó khăn nhưng hỗ trợ chứ không làm thay.

Cuối cùng, cũng khoảng 30% số DN đã “chết lâm sàng”, nhóm này nên để thị trường tự giải quyết.

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: HTD

Việc phân loại DN và xếp hạng tín nhiệm nội bộ tại các NH sẽ giúp có thêm nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn hơn mà không cần tài sản bảo đảm.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, nhóm DN làm ăn phát triển mạnh thì NH tìm đến và sẵn sàng mời chào với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, bản thân dòng tiền của DN đó tốt thì họ cũng không có nhu cầu vay. Còn nhóm DN chủ yếu là DN vừa và nhỏ thường khó khăn, do họ không có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không đẹp, xây dựng kế hoạch vay vốn không rõ ràng nên việc tiếp cận vốn rất khó thì NH đương nhiên không mặn mà.

Các NH có khâu tư vấn khá kỹ càng. NH tư vấn cho DN để tìm ra lý do vì sao DN không tiếp cận được vốn để tháo gỡ. Qua đó NH cũng hiểu về dòng tiền từ dự án, cách thức phân bổ tài chính... từ đó dẫn đến việc DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn và NH cũng có khách hàng mới. “Các DN cũng cần lưu ý tại TP có quỹ bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo nhưng phương án hoạt động tốt. Quỹ bảo lãnh này cũng có một bộ phận làm tư vấn giúp DN gỡ được các vướng mắc hiện nay. Ngay cả khi DN chưa biết xử lý thế nào thì họ xây dựng phương án với DN để giúp DN dễ dàng hơn khi tiếp cận vốn” - ông Hưng nói.

Cho vay phải kiểm soát dòng tiền

Chủ trương mở rộng cho vay tín chấp với các DN có dự án tốt song theo ông Minh, các NH hiện rất thận trọng bởi với những khoản cho vay tín chấp NH sẽ phải đòi hỏi trích lập dự phòng cao hơn.

Còn theo ông Trần Du Lịch, cho vay tín chấp là tín hiệu tốt, hoàn toàn thực thi nhưng với điều kiện NH phải giám sát được dòng tiền của mình. Nợ xấu hiện đang là cái vòng kim cô trên đầu NH và hậu quả của nợ xấu hiện nay chủ yếu đến từ việc NH trước đây kiểm soát dòng tiền yếu kém. Vậy nên để tránh tăng nợ xấu, NH phải gắn chặt với việc giám sát dòng tiền khi cho vay ra. “Nhiều DN nói với tôi rằng anh cho vay thì cứ cho vay, miễn sao đến ngày tôi trả lãi, gốc đúng hạn là được rồi chứ cần gì phải hỏi kỹ xem là làm những việc gì... Nhưng NH không thể trả lời rằng không biết DN vay tiền để làm gì, kinh doanh gì, có khả thi, có lợi nhuận thực sự hay không... ” - ông Lịch nói.

Ông Lịch chia se,̉ một lần họp với NH về vấn đề tín dụng, một nữ DN cho rằng phương án của mình rất khả thi. Hỏi ra mới biết đây là DN bao bì. Tuy nhiên, trước khi mua bao bì, khoản tiền đi vay lại được đầu tư vào đất. Đến khi kinh tế khó khăn, mỗi tháng đóng lãi suất cho NH 22% thì lợi nhuận từ bao bì không sao trả nổi. “Lần khác ra Bình Định đi thăm các xí nghiệp gỗ, thường các DN này họ thế chấp nhà máy để vay vốn. Ước lượng một nhà máy trung bình chỉ cần vay 20 tỉ đồng để nhập gỗ nguyên liệu là có thể sản xuất đủ cho một năm.

Thay vì vay 20 tỉ họ lại vay 100 tỉ đồng để nhập gỗ nhưng thực chất là đi mua đất.Và khi kinh tế khó khăn, những DN này cũng gỡ khó không nổi. Bài học nhãn tiền là đến nay những DN gỗ hoạt động tốt, tăng trưởng 15% đều là những DN không dính đến bất động sản, không đầu tư trái ngành. Bởi vậy NH nếu không muốn phát sinh nợ xấu phải quản lý được dòng tiền của mình” - ông Lịch nói.

Người vay và người cho vay đều cẩn trọng

Hoạt động tín dụng hiện nay vẫn chậm. Nguyên nhân đến từ hai phía khách hàng và NH. Khách hàng bắt đầu dè chừng vì ngay cả khi các thông tin thị trường bất động sản đang ấm dần ngoài kia thì họ vẫn chờ xem liệu sức nóng ấy có tăng bền vững hay không. Nhà đầu tư bắt đầu thông minh hơn. Bài toán thường được tính là nếu anh đi vay lãi suất 10%/năm và tính cả gốc, lãi phải trả cho một năm giả sử 100 triệu đồng. Vậy nếu mua nhà để cho thuê liệu một năm anh có thu về 100 triệu đồng để trả cả gốc và lãi hay không. Hoặc khi vay tiền mua bất động sản đó, họ sẽ tính toán liệu thị trường tăng giá, giá tăng ấy có bù được lãi vay NH hay không...

Về phía NH cũng lo ngại nếu không thận trọng thì sẽ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Vì thế quy trình thẩm định cũng chặt chẽ hơn. Với những DN có tiềm ẩn rủi ro, NH chắc chắn sẽ khó cho vay. Với một số DN tốt nhiều khi họ cũng đã đầu tư vào các dự án trước đây rồi và vòng vốn chưa đủ để tiếp tục vay chu kỳ mới. Ngoài ra bản thân các DN cũng bị nhiều NH săn đón… Bởi thế NH muốn tăng trưởng song không phải tăng trưởng bằng mọi giá.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH

 
Theo Yến Trang
Pháp luật TPHCM
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *