Thời sự 21/05/2019 09:47

Chính phủ ứng 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án Nhà máy giấy "bán không ai mua"

Quỹ Tích luỹ trả nợ đã phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 97 triệu USD. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ.

Chính phủ ứng 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án Nhà máy giấy bán không ai mua - 1

Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tổng số nợ lên tới gần 2.700 tỷ đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về công tác vay, trả nợ công năm 2018 và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, Chính phủ đã cập nhật tình hình của Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được thành lập nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.

Theo báo cáo, trong năm 2018, Chính phủ đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho doanh nghiệp vay nước ngoài với 2 dự án điện có tổng trị giá là 1.614 triệu USD.

Thực hiện rút vốn của các khoản Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài là 28.291 tỷ đồng (tương đương 1.249 triệu USD), trả nợ gốc khoảng 37.001 tỷ đồng (tương đương 1.639 triệu USD). Như vậy, không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm và dư nợ cuối năm ở mức 246.309 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (giảm 0,6% so với cuối năm 2017).

Về cơ bản, các dự án được Chính phủ bảo lãnh trả nợ đầy đủ đúng hạn. Các dự án xi măng đã được tái cơ cấu và cải thiện khả năng thanh toán.

Trong quản lý, Chính phủ đã đôn đốc quyết liệt để hoàn tất việc ký hợp đồng thế chấp tài sản đối với các dự án vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; đẩy mạnh công tác hỗ trợ tái cơ cấu một loạt các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đang gặp khó khăn; khuyến khích người vay trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh.

Mặc dù vậy, báo cáo cho hay, trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD).

Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Theo như đại diện Bộ Tài chính chia sẻ mới đây thì dự án này "đã đắp chiếu từ lâu và 3-4 lần bán đấu giá nhưng không ai mua".

Trên thực tế, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng cho dự án vay từ năm 2008 đến nay. Rao không người hỏi, bán chẳng ai mua, thế nhưng việc trả nợ của Nhà máy Bột giấy Phương Nam lại chỉ có thể được thực hiện khi việc đấu giá, bán toàn bộ dự án hoàn thành. Tổng số nợ của dự án này tại thời điểm rao bán vào khoảng 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Quỹ Tích lũy trả nợ cũng phải ứng cho dự án BT Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan của Bộ Giao thông vận tải 44 triệu USD do vẫn chưa được cấp có thẩm quyền bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước, năm 2018 không cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước. Đối với các dự án đã cấp bảo lãnh Chính phủ trước đây, tổng trị giá rút vốn là 731 tỷ đồng, trả gốc trong năm là 5.664 tỷ đồng, trả lãi 2.586 tỷ đồng.

Dư nợ các khoản vay trong nước của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh là 33.326 tỷ đồng, giảm khoảng 4.585 tỷ đồng với cuối năm 2017.

Chính phủ cho biết, số dư của Quỹ tích lũy trả nợ tính đến 31/12/2018 tương đương 82.680 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh chính phủ là hơn 26 tỷ USD, chủ yếu là bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài. Trong đó, số nợ gốc là hơn 12,5 tỷ USD, giảm so với năm 2016.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *