Thời sự 21/04/2018 08:17

Chia tay VietinBank, PGBank "về một nhà" với HDBank hay MB?

Trong khi VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, hiện có hai ứng viên có khả năng thay thế là MB và HDBank.

Sáng nay 21/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) và Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018.

Theo tờ trình của VietinBank, ngân hàng này sẽ chấm dứt giao dịch sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Trước đó, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 và 2016 của VietinBank đã thông qua giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank.


Trong khi VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, hiện có hai ứng viên có khả năng thay thế là MB và HDBank (ảnh minh họa).

Trong khi VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, hiện có hai ứng viên có khả năng thay thế là MB và HDBank (ảnh minh họa).

Trong quá trình triển khai giao dịch sáp nhập, với mục tiêu đảm bảo tốt nhất lợi ích của VietinBank cũng như của các cổ đông, VietinBank cho biết đã cẩn trọng thực hiện soát xét tài chính và định giá PG Bank tại nhiều thời điểm dựa trên nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Căn cứ kết quả định giá độc lập của Deloitte, VietinBank đã thực hiện nhiều vòng đàm phán với PGBank.

"Tuy nhiên, VietinBank và PGBank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới hai ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch", tờ trình cho hay.

Ngày 16/6/2017, PGBank đã có công văn số 247/2017/CV-PGB gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập.

Xuất phát từ nguyên nhân giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank là giao dịch sáp nhập tự nguyện, đồng thời VietinBank cần tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới, Hội đồng Quản trị VietinBank trình đại hội đồng cổ đông kỳ này phê duyệt việc chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank.

Trong khi VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, hiện có hai ứng viên có khả năng thay thế là MB và HDBank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Ngân hàng Quân đội (MB), khi cổ đông hỏi về tin đồn sáp nhập trên, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB xác nhận ngân hàng đã nghiên cứu, tìm hiểu một số ngân hàng và trong đó có PGBank. Tuy nhiên, theo ông Thái, mọi việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, đánh giá trao đổi sâu với PGBank và vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được thông qua.

Còn theo ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB thì, trong giai đoạn 2017-2021, ngân hàng có thể sẽ mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả.

Trong báo cáo của HĐQT gửi các cổ đông, HDBank cho biết ngân hàng có định hướng trong việc mua bán, sáp nhập, tìm đối tác chiến lược nhằm đưa HDBank trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam về quy mô.

Trước đó, ngày 19/4, Petrolimex và HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược tại trụ sở Petrolimex ở Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ với các công ty chứng khoán trước đó 2 ngày, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho biết ngân hàng này vẫn luôn tìm kiếm cơ hội M&A với đơn vị cùng chí hướng.

Như vậy, với những diễn biến trên, thông tin PGBank "về một nhà" với HDBank - ngân hàng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không phải không có căn cứ.

Về phía PGBank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, nhiều cổ đông ngân hàng này đã lên tiếng rằng thời gian chờ sáp nhập quá lâu và làm ảnh hưởng đến hoạt động, tinh thần của ngân hàng và đề nghị nếu không sáp nhập được với VietinBank thì nên dứt khoát, tìm phương án khác.

An Hạ

 
 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *