Thời sự 09/11/2020 08:36

Cán bộ “trên ga, dưới phanh”; doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục

Trong khi các ngành các cấp đang tuyên bố nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thì trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải “toát mồ hồi” vì thủ tục còn mang tính “hành là chính”.

Doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục hành là chính (!?)

Tại Hội nghị “Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị này đã liên tục làm những khảo sát đối với các doanh nghiệp.

Cán bộ “trên ga, dưới phanh”; doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục - 1

Thủ tục hành chính phiền hà trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Đ.V

 Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế phí và bảo hiểm xã hội là những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất.

Nhiều lĩnh vực khác cũng có thủ tục hành chính phiền hà như: bảo vệ môi trường, phòng cháy, quản lý thị trường, thanh toán qua kho bạc…

Theo ông Tuấn, thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện trên thực tiễn không hề giống với trên giấy tờ. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khâu hơn, phức tạp hơn, vòng vèo hơn và nhiều rủi ro hơn.

“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc đánh giá quy trình “chạy” trên thực tế như thế nào còn quan trọng hơn là việc thiết kế quy trình trên văn bản. Hi vọng trong thời gian tới sẽ được thực hiện tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Bất bình kiểu làm việc “trên ga, dưới phanh” của cán bộ Nhà nước

Chiều 5/11, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) đánh giá, cải cách bộ máy và cán bộ, theo đại biểu giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở, chắc chắn là tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sự vận hành của cả bộ máy, thực thi công vụ của cán bộ, công chức chúng ta, một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp thì vẫn không hài lòng.

“Mấy năm gần đây, chúng ta hay dùng lối nói ví von “trên ga dưới phanh” , “trên nóng dưới lạnh”. Nói thế chỉ đúng một phần và không toàn diện. Dường như chỉ thấy cấp dưới trì trệ, làm chậm, không quyết liệt. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên, tất nhiên cả địa phương và trung ương là cấp trên quản lý, tham mưu là nhiêu khê” - đại biểu Dương Văn Thống thẳng thắn.

Đại biểu đoàn Yên Bái cũng đề nghị phải bổ sung các biện pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức gắn với áp dụng công nghệ hiện đại và công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Việt Nam sẽ trở thành điểm “thôn tính” của doanh nghiệp nước ngoài?

Nêu quan điểm tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho biết, gần đây có nhiều nhận định và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất máy tính của thế giới, sẽ dòng vốn đầu tư rất lớn của nước ngoài dồn vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo nhận định này .

Vị đại biểu nêu rõ: Hiện 3/4 bộ vi xử lý của Tập đoàn Intel được sản xuất ở Mỹ, còn lại được sản xuất ở một số thị trường khác. Trong khi đó, hoạt động của Intel tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào phân loại, đóng gói. Vậy lợi nhuận của việc tham gia gia công, đóng gói đạt bao nhiêu tổng giá trị sản phẩm đó?

Đại biểu đoàn Bình Dương cũng đặt vấn đề vài năm nữa khi FDI thế hệ mới mang cả hệ sinh thái vào Việt Nam, làm thế nào để Việt Nam chiếm lĩnh lại được thị trường và chúng ta sẽ thu được những gì, mong đợi gì ở thị trường xuất khẩu?

“Trong kịch bản tăng trưởng ta luôn đặt mình ở phía động, các nước so sánh là phía tĩnh. Sau đại dịch liệu Việt Nam có trở thành điểm thôn tính của doanh nghiệp các nước hay không?” - ông Nhân đặt câu hỏi và đề nghị rà soát lại tình hình đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh nội lực của doanh nghiệp trong nước để tránh bị thua ngay trên “sân nhà”. 

Phát lộ “mánh” báo lỗ, trốn thuế của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Cũng về doanh nghiệp FDI, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) chỉ ra: chỉ hơn 3 năm qua, kiểm toán ngành thuế đã huy động nguồn lực tích cực triển khai, song cũng trừ thanh, kiểm tra được khoảng 10% tổng số doanh nghiệp FDI nhưng cũng đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 6.036 tỷ đồng, giảm lỗ trên 23.722 tỷ đồng, giảm khấu trừ 188 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 22.675 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 2.078 tỷ đồng và giảm lỗ 17.451 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 19.000 tỷ đồng.

“Qua con số thống kê nêu trên có thể nói đây là những con số rất đáng lo ngại, cần được đặc biệt quan tâm để có những giải pháp hữu hiệu, quản lý chặt chẽ, ngăn chặn những sai phạm này” - ông Hùng cho biết.

Hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã đến hồi cảnh báo” - ông Hùng nêu rõ và cho biết tình trạng chuyển nhượng vốn góp với giá trị cao hoặc kê khai giá trị đầu vào cao dẫn đến lỗ và không phải đóng thuế.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hay hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Hàng loạt “đại bàng” mang tên Nhật Bản vừa chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam

Trong một diễn biến liên quan, Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình cho biết, Việt Nam đang trở thành điểm sáng kinh tế, điểm đến kinh doanh hàng đầu của cộng đồng kinh doanh quốc tế trong hành trình xây dựng các chuỗi kinh tế có trách nhiệm và an toàn.

“Đại sứ Nhật Bản nói với tôi là trong số 30 doanh nghiệp vừa xin trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dòng vốn đầu tư thì có 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam . Tổng Giám đốc Samsung thông báo rằng tập đoàn này đang gấp rút xây dựng, hoàn chỉnh trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc thông tin.  

Cũng theo ông Lộc, Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức hội nghị lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 2.200 đại biểu từ 50 nước. Tại đây, Việt Nam đã ký được các hợp đồng trị giá 11 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng.

“Thực sự đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam”- ông Lộc cho hay.

Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *