Thời sự 03/03/2020 20:46

Bộ Tài chính nói gì mức giảm trừ gia cảnh bị cho là “vô cảm”?

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết: Bộ Tài chính đã theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả.

Thông tin về mức giảm trừ gia cảnh mới được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối nay (3/3).

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ mức 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc từ mức 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng. Người được tính phụ thuộc là có mức thu nhập thường xuyên không quá 1 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính nói gì mức giảm trừ gia cảnh bị cho là “vô cảm”? - 1

Bà Vũ Thị Mai thông tin về mức giảm trừ gia cảnh mới tại họp báo (ảnh: Đoàn Bắc)

Bà Mai khẳng định: “Bộ Tài chính đã theo dõi CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả”.

Cụ thể, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%. 

Theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Tại cuộc họp báo, bà Mai cũng đề cập tới việc quản lý thuế của các đối tượng như người nổi tiếng, ca sĩ, người kinh doanh qua mạng, cá nhân nổi tiếng trên Youtube, Facebook.

“Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 và có đầy đủ công cụ, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này” – bà Mai nói và cho rằng trước hết cần nâng cao trách nhiệm kê khai đầy đủ, trung thực của các đối tượng. Cần tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định, song song với việc thanh tra, kiểm tra.

Covid-19 “thổi bay” 7 tỷ USD du lịch

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống trong công tác phòng, chống dịch.

Hiện dịch Covid-19 đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những nước là địa bàn thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu.

Bộ Tài chính nói gì mức giảm trừ gia cảnh bị cho là “vô cảm”? - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh: Đoàn Bắc)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch… “Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin.

Hàng không, du lịch, dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, không để rơi vào bị động; tập trung hỗ trợ các đối tượng bị dịch bệnh; tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tránh thanh toán trực tiếp mà đẩy mạnh thanh toán trực tuyến.

Bộ Tài chính nói gì mức giảm trừ gia cảnh bị cho là “vô cảm”? - 3

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3 (ảnh: Đoàn Bắc)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vốn FDI thực hiện giảm 5%; khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Tuy nhiên, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *