Thời sự 22/11/2013 11:31

Bán lẻ: Cuộc chiến của các ngân hàng!

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng (NH) bán lẻ là xu hướng tất yếu của NH Việt Nam, phù hợp với xu hướng của thế giới. Tiềm năng thị trường NH bán lẻ của Việt Nam rất lớn. Dẫu vậy, vì đang ở giai đoạn đầu, nên rủi ro là khó tránh. Ngoài rủi ro về chi phí nhân lực, nợ xấu, các NH trong nước còn đứng trước nguy cơ bị co hẹp thị phần.

Ngân hàng chuyển trọng tâm

Theo đánh giá của các chuyên gia và giới tài chính tại Diễn đàn Đông Nam Á 2013 vừa qua, Việt Nam hiện đã có một nền tảng về hạ tầng, công nghệ để có thể phát triển theo xu thế NH bán lẻ hiện đại.

Theo một thống kê chưa chính thức là Việt Nam hiện đã phát triển tới 60 triệu thẻ ATM (2/3 dân số), 16.000 máy ATM, hàng ngàn điểm thanh toán POS và hàng ngàn điểm thanh toán hàng không, bảo hiểm, viễn thông..., cộng với sự phát triển của các dịch vụ mobile banking, internetbanking, SMS banking..., có thể nói chỉ trong vòng khoảng 3 năm tới, xu thế giao dịch điện tử không sử dụng tiền mặt để thanh toán của nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh.  

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cho rằng, nếu như trước khủng hoảng, các NH trong nước chủ yếu tập trung bán buôn (NH đầu tư) và chú trọng đối tượng khách hàng DN thì khó khăn của kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua đã khiến các NH phải thay đổi chiến lược, định hướng lại chiến lược NH bán lẻ - vốn là cốt lõi của nhiều NH trước đây. 

 Ngân hàng cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần bán lẻ.

 

Vũ khí lãi suất sẽ hết thời?

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể vận hành được một NH bán lẻ thực sự? Trên thực tế, phát triển mô hình NH bán lẻ hiện đại nhằm chuyển hướng nguồn thu từ dịch vụ thay vì tập trung khai thác lợi nhuận từ tín dụng theo mô hình NH truyền thống đã và đang được nhiều NH hướng đến, nhất là trong điều kiện tăng trưởng tín dụng những năm gần đây có xu hướng chững lại.

Bên cạnh đó nguồn thu từ dịch vụ bền vững hơn so với thu từ tín dụng. Bởi, muốn tăng thu từ tín dụng phải có nguồn. Vì lẽ đó, thời gian qua, thu hút tiền gửi luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các NH, với “vũ khí chiến lược” là lãi suất.

 Các chuyên gia cho rằng các NH trong nước hiện vẫn dựa vào lãi suất để cạnh tranh trong mảng dịch vụ tiền gửi, trong khi khách hàng gửi tiền luôn dao động trước những lời chào mời hấp dẫn hơn. Điều đó khiến cho lợi nhuận biên thu hẹp, cơ cấu nguồn vốn không bền vững nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, để tăng thu từ dịch vụ không dễ dàng. Hiện, ngay cả với những NH lớn thu từ dịch vụ mới chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng nguồn thu. Theo đuổi NH bán lẻ buộc các chủ NH phải tăng cường đầu tư công nghệ, cải thiện năng lực quản trị, hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Hiện dịch vụ NH khá đơn điệu, chưa tạo được nhiều điểm nhấn khác biệt, nên chưa hấp dẫn được khách hàng. Ngay cả khi sản phẩm thẻ phát hành nhiều, nhưng chủ thẻ giao dịch rất thấp, dẫn đến chi phí NH tăng cao, thậm chí không thu được lợi nhuận. Do các sản phẩm dịch vụ của các NH gần giống nhau, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về phí, thậm chí có NH lỗ nặng trong mảng dịch vụ. Điều này đặt các NH trước vấn đề đặt trọng tâm chiến lược phát triển vào đâu và tìm cách thay đổi như thế nào để trở thành NH bán lẻ hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.

Được biết, 90% thị phần bán lẻ đang thuộc về các NH nội do có lợi thế về mạng lưới và kênh phân phối. Tuy nhiên, thị phần bán lẻ của NH trong nước đang có nguy cơ co hẹp, vì khối NH nước ngoài cũng đang ra sức tấn công thị phần bán lẻ. Nhiều NH nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina... không giấu tham vọng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo nhận định của NHNN, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các NH nước ngoài tập trung khai thác. Hiện 80 - 90% khách hàng bán lẻ của nhiều NH ngoại là người Việt Nam.

Chính vì vậy, trong một xu thế phát triển NH bán lẻ hiện đại đã và đang được các NH lựa chọn, mỗi NH sẽ tạo được một dấu ấn riêng, bật lên lợi thế cạnh tranh. Ông Tareq Muhmood - Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam, cho rằng mặc dù cơ hội đối với dịch vụ, sản phẩm của NH bán lẻ ở Việt Nam hiện đang rất lớn, nhưng với nhiều vấn đề mà NH nói riêng và kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, thì để thành công điều mà các NH VN cần có là sự kiên trì. Cụ thể ở đây là một định hướng dài lâu cho sự phát triển bền vững là cần thiết và các NH không cần phải vội vã tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo Gia Miêu
Lao động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *