Thời sự 14/04/2014 16:41

ACB đã thu gần 1.250 tỷ đồng liên quan tới bầu Kiên

FICA - Phần còn lại là 5.833 tỷ đồng, ACB lên kế hoạch thu 3.000 tỷ đồng trong năm 2014. Toàn bộ phần thu về mới là nợ gốc, phần lãi mới thu một phần, phần chưa thu sẽ dồn về cuối kỳ.

Sáng nay (14/4), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Theo lịch, chỉ còn 3 ngày nữa sẽ xét xử đại án liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB. Vì vậy, tiếp nối từ đại hội năm trước, các câu hỏi liên quan đến bầu Kiên và Huyền Như tiếp tục là vấn đề nóng đưa ra chất vấn tại đại hội năm nay.

Giải đáp các thắc mắc của cổ đông, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, năm 2013 ngân hàng đã thu được 1.247 tỷ đồng từ các khoản vay liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên. Phần còn lại là 5.833 tỷ đồng, ACB lên kế hoạch thu 3.000 tỷ đồng trong năm 2014. Toàn bộ phần thu về mới là nợ gốc, phần lãi mới thu một phần, phần chưa thu sẽ dồn về cuối kỳ.

Toàn bộ dư nợ liên quan đến bầu Kiên đều có tài sản đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước đã cho ACB xử lý trong vòng 3 năm từ 2013 tới 2015, ông Toàn trấn tĩnh cổ đông.

Về khoản tiền gửi 718 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) liên quan tới vụ án Huyền Như, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, ACB đã trích lập dự phòng 50% và đang chờ phán quyết cuối cùng của phiên phúc thẩm. Ông Huy hi vọng ACB sẽ thu được lại toàn bộ các khoản tiền liên quan tới 2 vụ án kinh tế này.

Trước xu hướng mua bán sáp của các ngân hàng trong hệ thống, cổ đông cũng đề cập liệu ACB có chủ trương M&A hay không, cũng như tình hình sở hữu chéo và kế hoạch tăng vốn.

Về vấn đề này, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, Ngân hàng chưa có kế hoạch M&A với ngân hàng khác. ACB cũng đã bán 90% các khoản đầu tư vào ngân hàng khác và sẽ tất toán hết các khoản đầu tư này. Ngân hàng cũng chưa có kế hoạch tăng vốn cho tới hết quý II/2015.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2013, ACB đạt 824 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5% so với năm 2012. Tại thời điểm 31/12/2013, tổng tài sản của ACB đạt gần 167 nghìn tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

Tổng nợ xấu là 3.243 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 3,03%. Nợ xấu tới cuối năm 2013 tăng so với mức 2,5% tại thời điểm cuối năm 2012 nhưng lại giảm so với thời điểm cuối quý III/2013 là 3,34%.
 
Liên quan tới tình hình kinh doanh năm 2013, lãnh đạo ngân hàng cho biết, ACB lỗ 262 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng, trong đó lỗ 122 tỷ đồng từ đóng trạng thái vàng và lỗ bổ sung 140 tỷ đồng do mua vàng cho vay. Kết thúc năm 2013, ACB đã chấm dứt tất toán trạng thái vàng và không có lỗ tiềm ẩn.


Đại diện ACB cũng cho biết, nợ xấu của Ngân hàng tăng do kinh tế vĩ mô, nhu cầu vay vốn suy yếu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Năm 2013, ACB đã cơ cấu lại nợ, mặc dù nợ xấu tăng nhưng vẫn thấp hơn bình quân ngành, các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, tài sản giảm do Ngân hàng đã cơ cấu lại danh mục tài sản theo hướng tăng tài sản sinh lời, giảm hoạt động liên ngân hàng.

Quý I/2014, ACB ước đạt 303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Khác với mọi năm chỉ trích lập dự phòng trong quý IV, năm nay, ACB đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ngay từ đầu năm.

Đại hội kết thúc với việc thông qua toàn bộ các tờ trình như lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 1.189 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013; Tăng trưởng huy động và tín dụng đạt 13%; Tăng trưởng tổng tài sản đạt 14% và tỷ lệ nợ xấu không qua 3%; Miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Huỳnh Quang Tuấn cho bị khởi tố liên quan tới vụ án bầu Kiên.


Cổ tức năm 2013 ở mức 7% bằng tiền. Về tỷ lệ cổ tức ngày càng thấp, đại diện ACB cho biết, sự cố năm tháng 8/2012 (khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt) đã ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng và một phần từ các yếu tố vĩ mô. Ngân hàng hi vọng trong vòng 2-3 năm nữa sẽ chia cổ tức ở mức kỳ vọng của cổ đông.

Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *