Thời sự 05/07/2021 20:30

6 tháng, ngân sách mất hơn 2.200 tỷ đồng để chi phòng chống đại dịch Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết 6 tháng đầu năm nguồn ngân sách trung ương chi cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19 là hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong đó, chi bổ sung 1.799 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế, trong đó hơn 1.237 tỷ đồng mua vắc-xin  và mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (562 tỷ đồng); hỗ trợ 376 tỷ đồng cho các địa phương. Đồng thời, đã xuất cấp 15,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân.

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, số thu ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020.

Ngân sách phải chi hơn 2.200 tỷ đồng từ đầu năm đến nay chỉ để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 55,9% dự toán, tăng 13,1%; thu từ dầu thô ước đạt 79,8% dự toán, giảm 13,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 68,8% dự toán, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ thu dự toán (trên 50%). Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,9% dự toán, tăng 18,2%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,1% dự toán, tăng 18,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 58,7% dự toán, tăng 38,2%.

Cũng theo báo cáo, có 60 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 55% dự toán; 3 địa phương có số thu đạt dưới 50% (Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình); ngoài ra, nhiều địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.

Về chi NSNN, thực hiện 6 tháng đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1%; chi trả nợ lãi đạt 51,6%; chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm vẫn còn chậm, mới đạt 29,02% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch; có 9 Bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong khi vẫn còn 05 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021. 

Để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tháng 6 vừa rồi.

Bám sát tiến độ thu, chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn, đồng thời góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *