Thời sự 23/08/2014 06:56

34 ngân hàng chưa thu phí giao dịch nội mạng

FICA - Thống kê cho thấy có 9 ngân hàng áp dụng thu phí ở mức 1.000 đồng/giao dịch, 1 ngân hàng thu 2.000 đồng/giao dịch và 1 ngân hàng thu ở mức 500 đồng/giao dịch.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Tính đến cuối quý I/2014, hệ thống các tổ chức tín dụng đã trang bị, lắp đặt gần 15.500 máy ATM và 138 nghìn thiết bị chấp nhận thẻ POS trên toàn quốc. Có 45 ngân hàng tham gia phát hành thẻ ghi nợ nội địa với tổng cộng 61,83 triệu thẻ, chiếm 90% tổng lượng thẻ phát hành thẻ các loại.

Bên cạnh đó, còn có 35 ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã phát hành 6,72 triệu thẻ quốc tế với 2,52 triệu thẻ tín dụng, 1,34 triệu thẻ ghi nợ và 2,86 triệu thẻ trả trước.

Thống kê cho thấy có 9 ngân hàng áp dụng thu phí ở mức 1.000 đồng/ giao dịch, 1 ngân hàng thu 2.000 đồng/ giao dịch và 1 ngân hàng thu ở mức 500 đồng/ giao dịch. Còn lại 34 ngân hàng hiện chưa áp dụng thu phí giao dịch rút tiền ATM nội mạng.

Trước những phản ánh nhiều loại phí áp dụng có tính bắt buộc đối với chủ thẻ, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Không phải tất cả các chủ thẻ đều phải trả mọi khoản phí này; phần đông các chủ thẻ với nhu cầu thông thường chỉ phải trả một số loại phí như phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền ATM, phí chuyển khoản.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thu phí ATM của các ngân hàng là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế và dựa trên nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh.

Thứ nhất là nguyên tắc thỏa thuận, bù đắp chi phí trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác trong xã hội mà không phải là dịch vụ công nhìn chung được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận về mức và loại phí/ giá dịch vụ. Các dịch vụ tiện ích miễn phí (nếu có) thường chỉ có trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với chiến lược và năng lực của tổ chức cung ứng dịch vụ trong từng thời kỳ. Nếu việc miễn phí được thực hiện trong thời gian dài, điều đó có thể khiến chất lượng dịch vụ ngày càng giảm sút do tổ chức cung ứng dịch vụ không cân đối được thu-chi.

Thứ hai là quyền tự quyết trong xác định phí dịch vụ của tổ chức tín dụng. Quy định pháp luật ngân hàng hiện hành đã trao quyền tự quyết cho các tổ chức tín dụng trong việc chủ động xác lập mức phí cung ứng dịch vụ trong điều kiện hoạt động bình thường.

Thứ ba là nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo công khai-minh bạch. Biểu phí dịch vụ thẻ mà các ngân hàng tại Việt Nam đang áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật, có tính cạnh tranh, đảm bảo công khai-minh bạch và tương đồng với thực tiễn, thông lệ về áp dụng phí dịch vụ thẻ của các ngân hàng trên thế giới và trong khu vực.

Rõ ràng, trong môi trường thẻ cạnh tranh như hiện nay với gần 50 ngân hàng có hoạt động phát hành, thanh toán thẻ, ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ thẻ thấp, mức phí không phù hợp sẽ không thu hút, giữ chân được khách hàng; Ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ tốt với mức phí hợp lý sẽ thu hút, phát triển nguồn khách hàng và cũng từ sự cạnh tranh này, chủ thẻ sẽ lựa chọn được ngân hàng, sản phẩm phù hợp.

Trước thông tin phản ánh, dịch vụ ATM có quá nhiều loại phí, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không phải khách hàng nào cũng bị thu toàn bộ các khoản phí này. “Mức phí thu đối với chủ thẻ tùy thuộc vào nhu cầu, tần suất sử dụng dịch vụ của họ. Do đó, nói rằng chủ thẻ ATM hiện phải chịu rất nhiều loại phí cơ bản là chưa hoàn toàn chính xác”, vị này cho hay.

Bởi đối với thẻ ghi nợ nội địa (còn gọi nôm na là thẻ ATM), các chủ thẻ thường phải chịu 2 loại phí “cơ bản”, cố định là Phí phát hành thu một lần khi phát hành thẻ và Phí thường niên thu hàng năm trong quá trình sử dụng. Đối với 2 loại phí cơ bản này, để cạnh tranh thu hút, mở rộng cơ sở khách hàng, trên thực tế nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, thường có chính sách miễn, giảm (chẳng hạn miễn hoặc giảm 50% phí phát hành; miễn hoặc không thu phí thường niên năm đầu tiên). Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều miễn phí giao dịch vấn tin tài khoản, xem sao kê giao dịch nội mạng tại ATM của ngân hàng.

Đối với chủ thẻ có nhu cầu thông thường, ngoại trừ các giao dịch rút tiền ATM nội mạng thì giao dịch như đóng tài khoản, báo mất thẻ/ nuốt thẻ, cấp lại PIN... có tần suất sử dụng, xác suất xảy ra rất thấp. Còn các giao dịch khác, thường gắn với các tiện ích, dịch vụ gia tăng, hoặc đòi hỏi thêm nhiều chi phí liên quan như: giao dịch ATM ngoại mạng, thông báo biến động số dư qua SMS, sử dụng thiết bị bảo mật, chuyển khoản… thì ngân hàng mới thu phí hoặc thu gắn với điều kiện nhất định. Tất cả các loại phí trên đều được các ngân hàng công bố công khai với khách hàng khi lần đầu mở thẻ hoặc trong suốt quá trình sử dụng thông qua biểu phí dịch vụ thẻ cập nhật trên website, tại quầy giao dịch hoặc qua các phương tiện thông tin liên lạc khác như nhắn tin SMS, màn hình ATM...

Như vậy, đối với phần đông các chủ thẻ với nhu cầu cơ bản, thông thường, chỉ phải trả một số loại phí như phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền ATM, phí chuyển khoản. Các loại giao dịch ATM khác có thu phí chủ yếu là những giao dịch không thường xuyên, dùng đến đâu, trả đến đó, gắn với dịch vụ giá trị gia tăng hoặc đòi hỏi nhiều chi phí phát sinh.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *