Thời sự 18/05/2014 15:56

3 năm được đối xử bình đẳng, ngân hàng ngoại đã làm gì ở Việt Nam?

Bình đẳng ở đây là cơ hội tiếp cận thị trường giữa ngân hàng nội và ngoại. Với việc thực thi cam kết gia nhập WTO và các cam kết quốc tế khác, sự khác biệt 3 năm trở lại đây đã được dỡ bỏ mạnh mẽ thể hiện qua sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh, phòng giao dịch… trên cả nước

Trong quãng thời gian đó, các ngân hàng ngoại đã làm tuy chưa nhiều điều nhưng tạo được dấu ấn đáng kể tại Việt Nam.
 
 
 

Những hạn chế trước WTO

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO cho biết, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện diện hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo Luật các TCTD năm 1997, được sửa đổi bổ sung năm 2004 và các Nghị định liên quan của Chính phủ, quy định của NHNN.

Thời kỳ này, có sự phân biệt rất rõ ràng về nguồn gốc trong nước, nước ngoài đối với các TCTD. Cách sắp xếp kết cấu từ một văn bản luật cho thấy sự phân biệt còn đi qua ranh giới của nguyên lý quốc tịch pháp nhân, có sự phân biệt đối xử tương đối rõ giữa TCTD có vốn đầu tư nước ngoài và vốn trong nước.

“Luật năm 1997 dành riêng Chương VII để quy định về TCTD nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài. Điều mà sau này đến khi Luật các TCTD năm 2010 được ban hành đã có sự thay đổi. Theo quy định tại Điều 105, Luật các TCTD, thì các hình thức hoạt động của TCTD nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam gồm: TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”, Luật sư Hải dẫn giải.

Với việc theo đuổi tiến trình gia nhập WTO, điều đặc biệt là Việt Nam cam kết và đưa ra điều kiện cho phép thành lập ngân hàng liên doanh tại Việt Nam và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với một số điều kiện được cụ thể hóa trong Nghị định số 22 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 03 năm 2007 của NHNN. Theo đó, ngoài những điều kiện chung tương đối quy chuẩn, ngân hàng nước ngoài sẽ còn phải đáp ứng những điều kiện đặc biệt về năng lực tài chính.

Cụ thể như, để thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thì ngân hàng nước ngoài phải có tổng tài sản “Có” tối thiểu tương đương 10 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm tài chính trước năm xin cấp giấy phép. Điều kiện về năng lực tài chính của ngân hàng mẹ nước ngoài cho việc mở một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam còn bị đòi hỏi cao hơn gấp đôi, theo đó ngân hàng mẹ tại nước ngoài phải có tổng tài sản “Có” tối thiểu tương đương 20 tỷ đôla Mỹ vào năm tài chính trước năm xin cấp giấy phép.

Luật sư Hải cho biết thêm, theo quy định của NHNN trước thời điểm gia nhập WTO, thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mở điểm giao dịch ngoài địa điểm ghi trong Giấy phép dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ việc đặt máy rút tiền tự động (ATM). Ngay cả việc đặt máy ATM, đặt và sử dụng các thiết bị ngoại vi phục vụ thanh toán thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, cũng chỉ được thực hiện theo quy định liên quan của pháp luật và hướng dẫn của Thống đốc NHNN.

Bên cạnh các điều kiện ràng buộc quy chuẩn, cũng cần kể đến sự điều phối quản lý của NHNN đối với sự thiết lập hiện diện của TCTD nước ngoài tại Việt Nam. Rõ ràng trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, thì phần lớn hiện diện thực tế của TCTD nước ngoài tại Việt Nam chỉ đơn thuần là các TCTD liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Thời kỳ này, đối với cộng đồng các ngân hàng nước ngoài hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức Chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Những yếu thế hiển hiện về phát triển mạng lưới, huy động vốn, cộng thêm sự gia tăng cạnh tranh cả về yếu tố công nghệ trong phát triển mạng lưới ATM, điểm chấp nhận thẻ của các NHTM trong nước, nên khó có thể nói các ngân hàng nước ngoài có nhiều cơ hội trong cạnh tranh khai thác thị phần tại Việt Nam”, Luật sư Hải chia sẻ. 

Diện mạo khác biệt sau WTO

Theo cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ bảo đảm áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia đầy đủ cho các ngân hàng nước ngoài theo từng giai đoạn. Trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, Việt Nam đã cam kết mở cửa các dịch vụ như nhận tiền gửi, cho vay, thuê mua tài chính, bảo lãnh tín dụng, ngoại hối…

Đối với các ngân hàng chỉ duy trì sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, thì văn phòng đại diện chỉ được thực hiện các chức năng liên lạc, nghiên cứu thị trường, xúc tiến các dự án đầu tư của TCTD nước ngoài tại Việt Nam và thúc đẩy, theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận ký giữa TCTD nước ngoài với các tổ chức tại Việt Nam. Đối với các ngân hàng không có hiện diện thương mại, hoạt động kết nối khách hàng tại Việt Nam giới hạn ở các dịch vụ cung cấp, tư vấn thông tin, công nghệ tài chính…

“Có lẽ nhìn vào bức tranh hôm nay, có thể thấy rằng trước và sau WTO, sự biến đổi của hệ thống ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam chưa có dấu hiệu đột biến đáng chú ý. Ngành ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Chính vì lẽ đó, ngay cả WTO cũng không can thiệp vào việc các quốc gia thành viên ứng dụng những quy cách, chuẩn mực hành xử riêng để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực ngân hàng. Miễn là sự đối xử theo đúng cam kết không phân biệt giữa trong và ngoài nước, thì sẽ là phù hợp với các cam kết WTO”, Luật sư Hải nhận định.

Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, hai điểm hạn chế chính của ngân hàng ngoại trước đây là hạn chế về mở hệ thống ATM và nhận nhận tiền gửi bằng tiền đồng cho những cá nhân không có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Nhưng thực tế với ngân hàng ngoại, đây chưa hẳn đã là khó khăn. “Trên thực tế cũng có điểm này, điểm kia khác biệt giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài nhưng không có sự bất bình đẳng lớn về mặt chính sách”, vị Phó Tổng giám đốc trên nói.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc Việt Nam gia nhập WTO cũng đã hỗ trợ lớn đối với sự phát triển của các ngân hàng nước ngoài. TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, sau WTO tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động của nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài không cao nhưng chắc chắn, ổn định hơn.

Gần đây, với tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động được duy trì, các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài gia tăng đáng kể thị phần về vốn chủ sở hữu để chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của khối này lại rất thấp, cho thấy năng lực quản trị rủi ro, cũng như khả năng lựa chọn các dự án hiệu quả để tài trợ tín dụng.

Báo cáo của NHNN cho biết, đến cuối năm 2013 vốn điều lệ của toàn hệ thống là 423,98 nghìn tỷ đồng, trong đó, NHNN đã chấp thuận cho 13 TCTD và 03 chi nhánh nước ngoài đề nghị tăng vốn điều lệ với số tiền 30.718,8 tỷ đồng và 110 triệu USD.

Tính đến nay, ANZ đã có 10 chi nhánh và văn phòng đại diện tại các thành phố lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ và Bình Dương. Mạng lưới hoạt động của HSBC Việt Nam mở rộng lên đến 18 điểm trên toàn quốc bao gồm một hội sở, một chi nhánh và năm phòng giao dịch tại TP. HCM; một chi nhánh, ba phòng giao dịch và một quỹ tiết kiệm tại Hà Nội; bốn chi nhánh tại Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai và hai văn phòng đại diện tại Hải Phòng và Vũng Tàu…

Mặc dù đã có nhiều đổi mới về thể chế phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và thúc đẩy sự đổi mới, phát triển hệ thống ngân hàng, song khuôn khổ pháp lý, quản trị và quy chế an toàn hoạt động ngân hàng vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động trên nền tảng các chuẩn mực an toàn, hiệu quả hơn. Ngành ngân hàng đang quyết tâm tái cơ cấu theo chuẩn mực mới, trong đó phải nói đến mục tiêu thực hiện Basel II đến năm 2015 (đối với khoảng 10 ngân hàng) và đến năm 2018 (đối với tất cả các NHTM).

Theo Thùy Dung
ĐTCK

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *