Thời sự 29/11/2022 15:03

10 địa phương có tốc độ sản xuất công nghiệp cao nhất nước

61 địa phương ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ ngành chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ.

Số liệu kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11 cho thấy, sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,2% ; ngành khai khoáng tăng 16%.

Tính chung 11 tháng, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).

Trong 11 tháng năm nay, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tái chế phế liệu tăng 11,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,3%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: sản xuất kim loại giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%.

IIP tháng 11/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Bắc Giang dẫn đầu khi tăng 38,3%, theo sau là Cần Thơ tăng 37,8%; Vĩnh Long tăng 28,8%; Quảng Nam tăng 23,9%; Khánh Hòa tăng 23%; Kiên Giang tăng 22%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Lai Châu tăng 23%; Sơn La tăng 26%; Đắk Lắk tăng 34,2%; Điện Biên tăng 51,4%.

Một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Cụ thể, Bình Định tăng 6,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5%; Đắk Nông giảm 0,4%; Hà Tĩnh giảm 14,1%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm hoặc tăng thấp: Bình Thuận giảm 3,2%; Quảng Ninh giảm 3,4%; Hà Tĩnh giảm 31,7%; Trà Vinh giảm 35%; Lạng Sơn tăng 5,7%. Địa phương có ngành khai khoáng giảm: Bình Định giảm 20,1%; Cà Mau giảm 13,6%; Đắk Nông giảm 1,7%; Ninh Bình giảm 8,5%; Hà Tĩnh giảm 3%.

Bắc Giang dẫn đầu khi IIP tăng 38,3%.

Trong 11 tháng năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước là bia tăng 34,9%; thủy hải sản chế biến và ô tô cùng tăng 17,3%; linh kiện điện thoại tăng 16,9%; xăng dầu các loại tăng 12,9%; sơn hóa học tăng 12%; thép thanh, thép góc tăng 11,8%; xe máy tăng 10,8%; giày, dép da tăng 9,7%; thuốc lá điếu và khí đốt thiên nhiên dạng khí cùng tăng 9,1%.

Ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Ti vi giảm 0,6%; khí hóa lỏng LPG giảm 1,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 1,7%; thức ăn cho thủy sản giảm 4,1% ; điện thoại di động giảm 6,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 6,6%; sắt, thép thô giảm 16,6%.

Thảo Thu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *