Thời sự 11/05/2015 20:26

“Sức ép tăng tỷ giá chắc chắn quay trở lại”

FICA – Theo BVSC, nếu từ nay tới cuối năm cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt và đồng USD tiếp tục mạnh lên trên thị trường thế giới thì sức ép tăng tỷ giá vào một thời điểm nào đó chắc chắn sẽ quay trở lại.

NHNN đã sử dụng hết hạn mức điều chỉnh tỷ giá

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức có quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% kể từ ngày 7/5.

Tại bản tin trái phiếu gửi nhà đầu tư phát hành chiều nay (11/5), CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, quyết định này của NHNN được coi là phản ứng khá nhanh và bất ngờ vì trên thực tế tỷ giá mới chỉ căng thẳng trở lại trong ba phiên (niêm yết gần kịch trần tại các NHTM) sau kỳ nghỉ lễ.

Ngay sau quyết định trên của NHNN, giá USD mua vào- bán ra niêm yết chính thức tại các NHTM cũng đã có sự điều chỉnh tương ứng, tăng thêm 30-40 đồng/USD, lên mức 21.670 - 21.740 VND/USD.

Theo BVSC, sức ép điều chỉnh tỷ giá ngoài lý do VND tăng giá mạnh so với EUR và JPY thì nguyên nhân quan trọng là cán cân thương mại của Việt Nam đang xấu đi rõ rệt trong bốn tháng đầu năm (thâm hụt 3,3 tỷ USD) trong khi cả năm 2014 hầu như các tháng đều ở trạng thái thặng dư. Tốc độ tăng trưởng so cùng kỳ của xuất khẩu cũng yếu hơn hẳn (5,6%) so với cùng kỳ năm 2014 (30%).

Như vậy, hạn mức điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra kể từ đầu năm đã sử dụng hết. Về cơ bản, sau quyết định mới này, nhiều khả năng tỷ giá trong một hai tháng tới sẽ tạm thời ổn định ở một mặt bằng cao hơn (dao động quanh mức 21.700 - 21.800 VND/USD).

Nếu từ nay tới cuối năm cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt và đồng USD tiếp tục mạnh lên trên thị trường thế giới thì sức ép tăng tỷ giá vào một thời điểm nào đó chắc chắn sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, theo BVSC, để giữ vững niềm tin của thị trường vào chính sách, nhà điều hành nhiều khả năng sẽ khéo léo chọn thời điểm điều chỉnh tiếp tỷ giá (nếu buộc phải điều chỉnh) vào thời điểm ngay đầu năm 2016 (thực tế thời điểm này là cận Tết Âm lịch nên sức ép tăng tỷ giá thường lớn).

Thanh khoản ngân hàng đang căng thẳng trong ngắn hạn

Cũng trong tuần vừa qua NHNN đã bơm ra 12.389 tỷ đồng trên thị trường OMO trong khi chỉ có 6.000 tỷ đồng vốn đáo hạn. Tổng lượng vốn bơm ròng qua kênh OMO trong tuần đạt 6.389 tỷ đồng.

Tính chung trong 4 tuần gần đây, lượng vốn được NHNN bơm ròng qua kênh này đạt mức 29.322 tỷ đồng.

Theo BVSC, việc NHNN duy trì hoạt động bơm ròng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở với giá trị lớn kể từ đầu tháng 4 đến nay cho thấy sự căng thẳng thanh khoản của toàn hệ thống trong ngắn hạn. Hoạt động tín dụng khởi sắc trở lại (tăng 2,78% trong bốn tháng đầu năm) đang thu hút sự quan tâm của các ngân hàng có thế mạnh về vốn nên nguồn cho vay từ các ngân hàng thuộc tốp đầu này đã giảm sút hơn trước, khiến nguồn vốn cho vay liên ngân hàng có sự giảm sút nhất định, ít nhiều gây khó khăn cho các ngân hàng thanh khoản kém.

Trong tuần, NHNN cũng đã phát hành mới 11.245 tỷ đồng tín phiếu, tăng gần 3 lần so với mức 4.000 tỷ đồng của tuần trước đó (tuy nhiên lưu ý là số liệu của tuần trước đó chỉ tính duy nhất một phiên giao dịch ngày 27/04). Trong khi đó lượng tín phiếu đáo hạn đạt 3.812 tỷ đồng. Như vậy tính chung cả tuần vừa qua NHNN đã hút ròng 7.433 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước kỳ nghỉ lễ. Cụ thể, lãi suất trung bình tuần của kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần giảm lần lượt 0,4%; 0,2% và 0,25%; lần lượt đạt mức 4,34%/năm; 4,43%/năm và 4,54%/năm.

Việc lãi suất liên ngân hàng tạm thời hạ nhiệt trong tuần qua là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mức lãi suất liên ngân hàng hiện nay vẫn ở mức cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái (phổ biến chỉ từ 2-3%) cho thấy thanh khoản hệ thống trong giai đoạn hiện tại không còn quá dư thừa. Nhiều khả năng những tín hiệu tích cực của tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm đến nay là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *