Thời sự 16/12/2014 16:28

"Siêu lừa" Huyền Như: "Số tiền bị chiếm đoạt nằm ngoài hệ thống VietinBank"

Sáng 16/12, phiên tòa phúc thẩm “đại án tham nhũng” do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện bước vào phần thẩm vấn công khai tại tòa.

Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12
Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12
 
Trả lời HĐXX, Huyền Như khai rằng, mình học ngành tài chính tiền tệ. Vì vậy, khi công tác tại Vietinbank là công việc không những đúng ngành mà còn phát huy tốt kiến thức của mình.

Theo bị cáo này, hiện không có quy định nào cho phép ngân hàng đem tiền hay tài sản ủy thác cho các cá nhân tổ chức gửi vào ngân hàng khác để được hưởng lãi suất. Giữa tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán là hai tài sản khác nhau về chủ thể, lãi suất. Tài khoản thanh toán có kỳ hạn thì mức lãi suất giống như tài khoản tiết kiệm, còn thanh toán không kỳ hạn thì hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Trong khi đó, đại diện ngân hàng ACB trả lời rằng, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép đem tiền hay tài sản ủy thác cho các cá nhân tổ chức, gửi vào ngân hàng khác để được hưởng lãi suất. Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đại diện theo ủy quyền của Vietinbank cũng đồng quan điểm với ACB về việc ủy thác này.

Đối với lệnh thanh toán, chủ tọa hỏi Huyền Như có bao nhiêu loại lệnh thanh toán thì Như cho biết chỉ có 2 lệnh là lệnh chuyển tiền và chi tiền. Khi chủ tọa tiếp tục hỏi về lệnh thanh toán liên ngân hàng và giá trị của nó như thế nào thì Huyền Như cho biết, 10 năm làm tín dụng nên những kiến thức về kế toán mà chủ tọa hỏi thì bị cáo không nhớ rõ.

Huyền Như cho rằng: “Khi khách hàng mở tài khoản thì quyền quản lý, sử dụng tài khoản là của khách hàng còn ngân hàng chỉ thực hiện lệnh tài chính theo yêu cầu của khách hàng”.

Trong buổi sáng HĐXX chủ yếu thẩm vấn Huyền Như và đại diện các ngân hàng
Trong buổi sáng HĐXX chủ yếu thẩm vấn Huyền Như và đại diện các ngân hàng
 
HĐXX muốn làm rõ khi khách hàng thực hiện việc chuyển tiền đã được ngân hàng chấp thuận thì khi nào ngân hàng hạch toán vào sổ sách? Đến lúc này, Huyền Như chỉ ậm ừ. Để làm rõ vấn đề, HĐXX đề nghị đại diện ngân hàng Nhà nước trả lời.
 

Đại diện ngân hàng Nhà nước cho rằng, quy trình khách hàng gửi tiền tại ngân hàng thì không quá 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận lệnh chi, ủy nhiệm chi thì phải ghi có vào tài khoản thụ hưởng của lệnh chi, ủy nhiệm chi đó.

Đối với câu hỏi: “Thanh toán điện tử liên ngân hàng, lệnh phát sinh hiệu lực từ lúc nào?” của HĐXX thì đại diện Ngân hàng Nhà nước xin phép trả lời sau.

 
Trong khi đó, đại diện Vietinbank cho rằng, lệnh chuyển do các ngân hàng phát hành thông qua hệ thống ngân hàng Nhà nước. Hạch toán ngay khi tài khoản báo có và có phát sinh giao dịch. Khi tiền được chuyển về tài khoản, ngân hàng nhận phải phát sinh ngay nghĩa vụ cung ứng dịch vụ thanh toán.
 
Tất cả được cập nhật tự động, phát sinh ngay thời điểm tiền vào. Đại diện Vietinbank cũng cho rằng, do đã được hệ thống ngân hàng Nhà nước kiểm soát nên dù lệnh thanh toán liên ngân hàng không có chữ ký cũng vẫn có giá trị pháp lý. Lệnh chuyển liên ngân hàng không có cái nào là không hợp lệ.
HĐXX thẩm vấn sâu vào các quy trình gửi tiền tiết kiệm và mở tài khoản
HĐXX thẩm vấn "sâu" vào các quy trình gửi tiền tiết kiệm và mở tài khoản

Về quy trình mở tài khoản tiết kiệm, đại diện Vietinbank cho rằng nếu gửi tiết kiệm thì phải có tiền ngay. Tài khoản thanh toán thì không cần thiết phải có tiền. Quy trình mở tài khoản đối với pháp nhân, tổ chức thì phải có hồ sơ pháp lý, có mẫu mở tài khoản, đối với cá nhân thì phải có chứng minh thư... Sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ đầy đủ, giao dịch viên tiếp nhận chuyển cho kiểm soát viên để phê duyệt.

HĐXX cho rằng, theo quy trình mà Vietinbank vừa nói thì giao dịch viên là cánh cửa giữa ngân hàng với khách hàng. Theo Vietinbank, nếu thực hiện ngược lại so với quy trình bình thường là từ giao dịch viên đến kiểm soát viên thì chắc chắn sai. Với vai trò người làm quản lý thì cũng khó biết quy trình ngược mà nhân viên làm. Việc kiểm tra các quy trình ngược thuộc quy trình kiểm soát định kỳ và đột xuất của ngân hàng từ 3 - 6 tháng.

Vụ Huyền Như xảy ra từ tháng 6-9/2011. Vietinbank có kiểm tra định kỳ nhưng không phát hiện được các sai phạm của Huyền Như. “Phòng giao dịch có số lượng giao dịch hàng ngày rất lớn. Chọn mẫu kiểm tra ngẫu nhiên để kiểm tra nên khó phát hiện được ngay”, đại diện Vietinbank nói.

 

Công Quang – Trung Kiên

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *