Thời sự 09/04/2015 13:45

M&A ngân hàng vào giai đoạn nước rút

Tiến độ của các thương vụ M&A giữa các TCTD sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm nay, giai đoạn nước rút của kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm xem xét thông qua khoảng 5-6 thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm nay.

Lợi nhuận sa sút, nhà băng đứng trước áp lực M&A

Sau những thương vụ Habubank sáp nhập SHB; DaiA Bank sáp nhập HDBank; VNCB phải bán lại cho NHNN với giá 0 đồng…, trong giai đoạn nước rút thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành ngân hàng, còn nhiều nhà băng yếu kém, có nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sa sút tiếp tục phải sáp nhập với ngân hàng khác.

MHB là ngân hàng có vốn Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu trong năm 2011, nhằm xây dựng MHB thành một NHTM đa năng, đóng vai trò chủ đạo trong cho vay phát triển nhà ở, xây dựng kết cấu hạ tầng. Thế nhưng, trước tình hình khó khăn của thị trường, hoạt động của MHB gặp phải không ít khó khăn. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 312 tỷ đồng; giảm xuống 142 tỷ đồng trong năm 2013 và năm 2014 là 162 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này được kiểm soát ở mức 2,72% vào cuối năm 2014, nhưng để có được mức nợ xấu này, MHB đã bán một lượng nợ xấu không nhỏ (hơn 500 tỷ đồng) cho VAMC.

Tương tự, tại Eximbank, dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, song con số nợ xấu nhà băng này tăng mạnh, riêng số nợ xấu Ngân hàng đã bán cho VAMC lên tới hàng nghìn tỷ đồng (chỉ trong năm 2014 là trên 1.500 tỷ đồng). Khoản dự phòng rủi ro nợ xấu của Eximbank tăng đáng kể khiến lợi nhuận thu hẹp chỉ còn 68 tỷ đồng trong năm 2014. Riêng quý IV/2014, Eximbank thua lỗ gần 680 tỷ đồng, khiến nhiều cổ đông bức xúc. Tổng nợ xấu cuối năm 2014 lên đến 2.144 tỷ đồng, tương ứng 2,46%. Trong khi, vài năm trước, Eximbank luôn nằm trong nhóm có lợi nhuận tốt nhất trên thị trường.

Một trường hợp khác là DongA Bank. Năm 2013, lợi nhuận của Ngân hàng chỉ bằng một nửa so với năm trước đó, chưa đầy 500 tỷ đồng trước thuế. Kết quả kinh doanh 2014 đến nay chưa được DongA Bank hé lộ, song theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng, cũng chỉ kỳ vọng hoàn tất 50% chỉ tiêu đưa ra (là 500 tỷ đồng). DongA Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 24/4 tới và câu hỏi có về với ABBank sẽ được làm rõ.

SouthernBank cũng không ngoại lệ khi tăng trưởng tín dụng khó khăn, trong khi, nợ xấu lại tăng đáng kể từ mức dưới 3% lên 4,7% vào cuối năm 2013 và từng bước được kiểm soát ở mức dưới 3% sau khi đã bán một lượng lớn nợ xấu cho VAMC. Lợi nhuận của SouthernBank những năm qua không mấy sáng sủa: 2011 đạt 248,37 tỷ đồng; năm 2012 đạt 121 tỷ đồng; năm 2013 chỉ đạt 18 tỷ đồng. SouthernBank chưa công bố kết quả kinh doanh 2014, nhưng khó kỳ vọng mức cao và đang chờ NHNN thông qua phương án sáp nhập với Sacombank. 

Những thương vụ “về một nhà” dần lộ diện

Trước sự sụt giảm mạnh lợi nhuận của Eximbank trong năm 2014, Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng TP. HCM đã tiến hành thanh tra đột xuất với nhà băng này. Việc thanh tra được tiến hành theo các nội dung: hoạt động cấp tín dụng, cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan; cấp tín dụng tín chấp; phân loại nợ, trích lập dự phòng; cổ đông, cổ phần, chuyển nhượng cổ phần... Đợt thanh tra kết thúc vào cuối tháng 3/2015, song đến nay, kết quả chưa được hé lộ. Trong khi đó, danh sách ứng viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ năm 2015 – 2020 đã có 2 người đến từ Nam A Bank, tỷ lệ nắm giữ trên 20%. Vì thế, thông tin NamA Bank chi phối Eximbank không chỉ là tin đồn.

Còn với MHB, theo các báo cáo trình ĐHCĐ thường niên năm 2015 tới đây, đề án sáp nhập MHB vào BIDV theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đang được hai ngân hàng triển khai xây dựng. MHB sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 17/4 tới, trùng ngày với ĐHCĐ của BIDV.

NHNN cũng đã chấp thuận chủ trương sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank. Sở dĩ Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank là do Vietcombank hiện là cổ đông lớn tại Saigonbank, sở hữu gần 10%. Hồi cuối năm 2014, thị trường xuất hiện đồn đoán về khả năng SaigonBank sẽ về một nhà với DongA Bank, vì 2 ngân hàng này đều có vốn góp của Thành ủy. Nhưng cuối cùng thì Saigonbank lại về với Vietcombank, còn DongA Bank được cho sẽ sáp nhập vào ABBank.

Không chỉ Saigonbank, MHB, SouthernBank hay Eximbank, nhiều nhà băng khác đang phải đối mặt với áp lực M&A hoặc phải bán lại cho NHNN với giá 0 đồng như PGBank sẽ về chung nhà Vietinbank. Còn OecanBank, GPBank nếu không thể tự tái cơ cấu sẽ được xử lý tương tự như trường hợp VNCB. GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012. Thời gian qua, 8 trong số 9 nhà băng đã tái cơ cấu thành công, chỉ còn duy nhất GPBank vẫn chưa có phương án khả thi. Trên thị trường từng xuất hiện thông tin GPBank sẽ được bán đứt cho Tập đoàn UOB của Singapore. Tuy nhiên, sau thời gian dài đàm phán và thương thảo, thương vụ này đã không đi đến hồi kết như kế hoạch ban đầu. Còn với OceanBank, nếu không thể tự xử lý, NHNN buộc phải mua lại với giá 0 đồng nếu bị âm vốn quá nhiều.

Mở màn cho loạt thương vụ M&A trong ngành ngân hàng trong năm nay là thương vụ MDB - Maritime Bank. Cái được lớn nhất trong thương vụ này là xóa được tình trạng sở hữu chéo. Maritime Bank hiện đang nắm giữ 10,16% cổ phần của MDB. Đồng thời, cổ đông lớn của MDB là Tập đoàn FFH đã chuyển nhượng 20% cổ phần cho Maritime Bank.

Sacombank cũng cho hay, mọi kế hoạch sáp nhập thêm SouthernBank đã được chuẩn bị sau khi cổ đông thông qua. Vì thế, khi Sacombank nhận được văn bản chính thức từ NHNN sẽ tập trung triển khai đề án sáp nhập thêm SouthernBank.

Tiến độ của các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng được đánh giá sẽ đẩy nhanh hơn trong năm nay, khi chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố, sẽ sớm xem xét thông qua khoảng 5-6 thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, các ngân hàng mới có thời gian triển khai việc sáp nhập, hợp nhất trong 6 tháng còn lại.

Theo Thuỳ Vinh

ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *