Thời sự 17/04/2015 16:14

Cổ đông BIDV lo ngại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu BIDV và MHB

FICA - BIDV đã trình cổ đông phương án sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Với phương án sáp nhập, BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi với MHB tỷ lệ 1:1.

Sáng nay 17/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015. Một trong những nội dung được chú ý tại đại hội BIDV là việc sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) vào BIDV.

Với nguyên tắc “giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”, BIDV cho hay, việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập. 

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu này lại khiến cổ đông của BIDV băn khoăn. Trả lời câu hỏi tỷ lệ hoán đổi 1:1 (tức 1 cổ phiếu MHB đổi ngang 1 cổ phiếu BIDV) được ngân hàng tính toán thế nào, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho hay: MHB và BIDV đều do Ngân hàng Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn nên cổ đông lớn này không hề có ảnh hưởng. Với cổ đông nhỏ, trong ngắn hạn, sự lo ngại là đúng vì giá BIDV trên thị trường đang cao hơn đáng kể so với MHB.

 

Về dài hạn, BIDV sẽ tận dụng được nhiều lợi thế khi sáp nhập MHB: mạng lưới, khách hàng mảng nông thôn…

 

Cũng theo Chủ tịch BIDV, sau khi được cổ đông thông qua, HĐQT sẽ thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết, đúng quy định để hoàn tất sáp nhập vào cuối tháng 5.

 

Theo đó, BIDV đã trình bày trước đại hội về kế hoạch tăng vốn điều lệ dự kiến trong năm 2015 thêm 6.061 tỷ đồng (nếu thành công vốn điều lệ của BIDV sẽ là 34.173 tỷ đồng). Số vốn tăng thêm này sẽ bao gồm: Phát hành cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn từ sáp nhập. Trong đó, với phương án sáp nhập, BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cổ phiếu (khoảng 3.369 tỷ đồng) để hoán đổi với MHB theo tỷ lệ 1:1.

 

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm 269,2 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ (tính theo mệnh giá sẽ tương đương 2.692 tỷ đồng), chiếm 9,577% vốn điều lệ của năm 2014 (28.112 tỷ đồng).

 

Một thông tin được chú ý tại phiên họp sáng nay là việc BIDV xin ý kiến cổ đông để thành lập công ty tài chính tiêu dùng.

 

Theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng này, thành lập công ty tài chính tiêu dùng nhằm gia tăng thị phần bán lẻ, phục vụ toàn diện các nhóm khách hàng, đa dạng hóa kinh doanh nhờ đó nâng cao thu nhập của ngân hàng.

 

Về phương diện rủi ro, việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng cũng nhằm tách phân khúc khách hàng theo rủi ro, trong đó phân khúc tín dụng với mức độ rủi ro cao sẽ được tách bạch với hoạt động ngân hàng thương mại để quản trị rủi ro tốt hơn.

 

Đại hội BIDV cũng đã miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát BIDV cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2012 – 2017. Trong đó, BIDV miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Hoàng Huy Hà kể từ ngày 01/06/2015 để ông Hà nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định; miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT độc lập BIDV đối với ông Nguyễn Văn Hà và miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Kiểm soát BIDV đối với ông Trần Văn Bé.

 

Đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2012 - 2017…

 

Năm 2015, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng 16,5% về huy động vốn; dư nợ tín dụng tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5% và chi trả cổ tức 9%.

 

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của BIDv đạt 6.297 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước; tổng tài sản đạt 650.340 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 501.909 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 463.567 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,03%...

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *