Tài chính ngân hàng 07/11/2019 15:25

"Xuất siêu ghìm giữ đà tăng của tiền Đồng"

Theo BVSC, cán cân thương mại hàng hóa chuyển sang trạng thái thâm hụt 100 triệu USD trong tháng 10 vừa qua sau 3 tháng xuất siêu mạnh đã giúp ghìm giữ đà tăng của VND.

Báo cáo trái phiếu vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm ròng 19.999 tỷ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 51.996 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,25%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 71.995 tỷ đồng. Trên kênh OMO, NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.

Như vậy, hiện tại lượng tín phiếu đang lưu hành là 51.996 tỷ đồng và không có lượng OMO nào đang lưu hành. Hoạt động bơm ròng trở lại của NHNN giúp thanh khoản hệ thống cải thiện trong tuần qua.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,5%; 0,7% và 0,65%, xuống mức 1,45%/năm; 1,65%/năm và 1,9%/năm.

Thời điểm cuối tháng lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu bật tăng (lên mức 2,45%) nhưng nhờ hoạt động bơm ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt và giảm mạnh.

Tuần vừa qua, FED cũng có quyết định cắt giảm lãi suất sau cuộc họp ngày 30-31/10. Việc lãi suất USD duy trì ở mức thấp sẽ giúp hạn chế bớt áp lực lên VND khi lãi suất liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp.

Nhiều yếu tố tác động lên diễn biến tỷ giá tuần qua

Cũng trong tuần qua, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM cùng giảm. Tỷ giá trung tâm giảm 17 đồng xuống mức 23.138 VND/USD. Tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM giảm nhẹ 3 đồng, từ mức 23.202 VND/USD xuống mức 23.202 VND/USD.

Theo BVSC, việc FED tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 29-30/10 là nhân tố hỗ trợ đà tăng của VND trong tuần qua. Tuy vậy, cán cân thương mại hàng hóa chuyển sang trạng thái thâm hụt 100 triệu USD trong tháng 10 vừa qua sau 3 tháng xuất siêu mạnh đã giúp ghìm giữ đà tăng của VND.

Chỉ số DXY đóng cửa tuần ở mức 97,23 điểm, giảm 0,61% so với mức 97,83 của tuần trước đó. USD giảm giá so với đa số các đồng tiền trong rổ tính Dollar Index.

Cụ thể USD giảm lần lượt 0,44%; 0,93%; 0,78%; 1,29% và 0,91% so với JPY, GBP, EUR, SEK và CHF. Ở chiều ngược lại, USD tăng giá 0,64% so với CAD. Trong cuộc họp ngày 29-30/10, FED đã tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành 0,25%, đây cũng là lần thứ 3 trong năm 2019 FED tiến hành cắt giảm lãi suất. Động thái này của FED đã khiến đồng USD trong tuần qua có diễn biến giảm giá so với đa số các đồng tiền khác.

Đáng chú ý hơn, sau lần cắt giảm này, FED đã phát tín hiệu sẽ tạm thời “dừng” tiến trình giảm lãi suất để chờ các diễn biến kinh tế tiếp theo. Tổng mức cắt giảm của FED trong chu kỳ này đến nay là 0,75% - tức bằng mức cắt giảm trong hai chu kỳ kinh tế gần nhất có insurance cut là 1995-1996 và 1998.

Các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ công bố cuối tuần trước cũng hoàn toàn ủng hộ cho định hướng “dừng” của FED bao gồm: tăng trưởng GDP quý III của Mỹ đạt 1,9% cao hơn dự báo 1,6% với đóng góp chính vẫn từ tiêu dùng cá nhân bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 10 đạt 128 nghìn việc làm dự báo trước đó chỉ là 89 nghìn . Điều này giúp đà giảm của USD không quá mạnh trong tuần vừa rồi.

BOJ cũng sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại, chính sách này sẽ được duy trì đến khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản xác định xem động lực để thực hiện mục tiêu lạm phát còn cần nữa không. Điều này giúp JPY tăng giá 0,44% so với USD.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *