Tài chính ngân hàng 05/06/2019 07:57

VND sẽ không mất giá mạnh trong năm 2019

Theo VNDirect, sự ổn định tiền tệ giúp ổn định vĩ mô và NHNN sẽ thực hiện mục tiêu này bằng cách ngăn chặn sự mất giá mạnh của tiền đồng trong trung hạn. Nhóm phân tích giữ nguyên dự báo về mức mất giá 2% của tiền đồng trong năm 2019.

VND dự kiến sẽ chỉ mất giá 2% trong năm 2019

Báo cáo cập nhật vĩ mô vừa được Công ty chứng khoán VNDirect phát hành cho thấy, với sự leo thang gần đây của chiến tranh thương mại, tiền đồng đã mất giá do chịu ảnh hưởng từ sự mất giá của nhân dân tệ (CNY). Trong tháng 5/2019, CNY đã mất giá với tỷ giá USD/CNY tăng lên 6,9 từ mức 6,7 do diễn biến mới trong căng thẳng thương mại.

Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy áp lực mất giá của tiền đồng thấp hơn so với năm 2018 vì hai lý do. Một là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng thị trường từ trước thông qua việc liên tục điều chỉnh tỷ giá hối đoái trung tâm từ đầu năm. Hai là, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam cũng linh hoạt hơn do áp lực ít hơn đến từ việc tăng giá của đồng USD.

Vì vậy, tiền đồng chỉ mất giá khoảng 0,5% trong tháng vừa qua, so với mức giảm 0,2 - 1,9% của các loại tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á.

Theo VNDirect, sự ổn định tiền tệ giúp ổn định vĩ mô và NHNN sẽ thực hiện mục tiêu này bằng cách ngăn chặn sự mất giá mạnh của tiền đồng trong trung hạn. Nhóm phân tích giữ nguyên dự báo về mức mất giá 2% của tiền đồng trong năm 2019.

Rủi ro cho dự báo này là cuộc chiến thương mại toàn diện có thể nâng tỷ giá USD/CNY vượt xa ngưỡng 7,0 và áp lực lên tiền đồng do đó sẽ ở mức đáng kể hơn.

Báo cáo của VNDirect cũng lưu ý việc gần đây, Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõI thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ vì thặng dư tài khoản vãng lai trên 5% GDP trong 4 quý tính đến thời điểm tháng 6/2018 và thặng dư thương mại với Mỹ lên đến 40 tỷ USD trong năm 2018.

Thông tin này được công bố ngay sau đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ về việc Chính phủ áp dụng biện pháp trừng phạt (ví dụ như biện pháp thuế quan) đối với các nước có đồng tiền bị định giá thấp và trợ cấp cho hoạt động xuất khẩu.

Bộ Tài chính Mỹ chưa từng coi quốc gia nào là nước thao túng tiền tệ; tuy nhiên, theo VNDirect, việc thêm vào danh sách theo dõi được xem là cảnh báo đối với Việt Nam. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ thận trọng hơn trong việc quản lý hoặc can thiệp thị trường tiền tệ trong tương lai.

Hiện tại, VNDirect cho rằng Việt Nam sẽ không phải chịu rủi ro trừng phạt thương mại nào từ Mỹ ngay lập tức nhưng đang trở nên nhạy cảm hơn với chính sách của Mỹ bởi thặng dư thương mại Mỹ - Việt Nam đang tăng nhanh do các nhà xuất khẩu Trung Quốc vận chuyển hàng hóa sang Mỹ thông qua Việt Nam để tránh thuế quan cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu các sản phẩm công nghệ của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 25,8% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ tăng 85% so cùng kỳ. Do đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng lên 13,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019 (so với thặng dư 10,2 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái).

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *