Tài chính ngân hàng 19/11/2019 19:19

Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn?

BVSC cho rằng động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của NHNN là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội.

Ảnh minh hoạ

Theo Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ hôm nay (19/11), trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) sẽ được giảm thêm 0,5%, từ mức 5,5% trước đây xuống 5%.

Bên cạnh đó, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm từ mức 6,5% xuống 6%. Trước đó, trong ngày hôm qua (18/11), nhiều ngân hàng cũng đã có phản ứng sớm khi đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động các kỳ hạn từ 0,2-0,4%.

Đáng chú ý, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay cho tất cả các doanh nghiệp. Đây là đợt giảm trên diện rộng nhất từ trước tới nay của Vietcombank khi áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp.

BVSC cho rằng động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của NHNN là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội.

Các NHTMCP gốc quốc doanh sẽ là những ngân hàng chịu ảnh hưởng từ định hướng trên rõ nét nhất. Sau Vietcombank, rất có thể Vietinbank và BIDV cũng sẽ sớm công bố các gói giảm lãi suất cho tất cả các lĩnh vực cho vay, chứ không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên như trước.

Với các NHTMCP quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng.

Như đã đề cập trong bản tin ngày 18/11, BVSC đánh giá, việc giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn của NHNN dựa trên tiền đề là thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái rất dồi dào (mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mặt bằng thấp 1,8-2,2%/năm trong 4 tuần gần đây).

Diễn biến này là do hoạt động mua ròng ngoại tệ lớn của NHNN và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có xu hướng chậm lại trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng thanh khoản hệ thống là nguồn vốn mang tính ngắn hạn nên cơ chế lan truyền đến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạn chế và mang tính chọn lọc, chỉ diễn ra đối với những ngân hàng dư thừa về vốn thật sự.

Nhìn chung toàn hệ thống, lộ trình thực hiện thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) sẽ khiến các ngân hàng chưa đáp ứng được hệ số CAR (hơn 20 ngân hàng) khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn.

M.C

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *