Thảm họa đầu tư sau khi khai thác 7 tấn vàng

Sáng 7.8, trong buổi họp báo tại Quảng Nam, Tập đoàn Besra Việt Nam cho biết ở hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã được tập đoàn này khai thác khoảng 6,9 tấn vàng.

Đây là sản lượng do Besra công bố kèm theo khoản công bố lỗ từ năm tài chính 2010 đến năm tài chính 2014 là 37,9 triệu USD, nợ tiền bảo hiểm xã hội 8,3 tỷ đồng, nợ thuế 297 tỷ, nợ nhiều cá nhân đơn vị khác hàng chục tỷ...

 
Ông Lê Đình Thục (bên phải) - chủ nợ của Tập đoàn khai thác vàng Besra ngơ ngác trong phòng họp báo. 
Trước tình trạng cố ý nợ nần, Cục thuế Quảng Nam đã tiến hành cưỡng chế đối với hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Trong tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Besra đã tuyên bố đóng cửa hai mỏ vàng lớn nhất Đông Nam Á sau lệnh cưỡng chế.
 

Tại cuộc họp báo sáng qua, ông David Seton – Chủ tịch HĐQT của Besra đưa ra yêu sách đề nghị cơ quan thuế tỉnh Quảng Nam dở bỏ lệnh cưỡng chế để công ty này hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, ông Lương Đình Đường - Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam kiên quyết khẳng định: “Việc nợ thuế của Tập đoàn Besra là vi phạm nghiêm trọng Luật quản lý thuế Việt Nam. Gần 300 tỷ đồng mà Besra nợ thuế tỉnh Quảng Nam phải trả đầy đủ, không miễn giảm gì hết, cũng không được xóa nợ nữa”.

Để chứng minh việc nợ thuế của Besra là cố tình, ông Đường còn cho biết cơ quan thuế Quảng Nam nắm giữ rất đầy đủ, rất rõ ràng về sản lượng vàng của tập đoàn này khai thác tại hai mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn.
 
 Trước thái độ cứng rắn của ông Lương Đình Đường - người đứng đầu cơ quan thuế tỉnh Quảng Nam, ông David Seton - Chủ tịch Tập đoàn Besra cho biết sẽ gửi đơn ra Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế. 
Chưa từng có trong lịch sử đầu tư FDI tại Việt Nam, Tập đoàn Besra khai thác hai mỏ vàng lớn nhất Đông Nam Á này đang trở thành "thảm họa đầu tư" cho chính quyền tỉnh Quảng Nam khi liên tục gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho chính quyền và xã hội.
 

Trước đó, Besra lớn tiếng tố cáo phần lớn các cơ quan truyền thông Việt Nam thông tin sai lệch và đòi phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng không được hoạt động hiện nay.

Một tình huống bất ngờ diễn ra tại cuộc họp báo là ông Lê Đình Thục – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trường Xuân bức xúc việc Besra nợ công ty ông này 6,5 tỷ nhưng không chịu trả nên xông vào đòi nợ trực tiếp ông David Seton.
 

Trước đó, Besra lớn tiếng tố cáo phần lớn các cơ quan truyền thông Việt Nam thông tin sai lệch và đòi phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng không được hoạt động hiện nay.

Hiện nay Besra nợ 9 doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam và nhiều cá nhân khác tại huyện Phước Sơn đẩy các doanh nghiệp này đi vào chỗ phá sản.
Đã mắc nợ, nhưng Besra luôn lớn tiếng vu khống và tố cáo các chủ nợ của mình như trường hợp ông Lê Đình Thục bị tố cáo gian lận, công ty Quảng An bị tố cáo cản trở hoạt động nhà máy ở Phước Sơn và đòi bồi thường thiệt hại ngang với tiền nợ.
 
Tố cáo báo chí, tố cáo hải quan, tố cáo thuế, tố cáo doanh nghiệp, vu khống người dân Phước Sơn là ăn cướp nhà máy… Tập đoàn Besra như chúng tôi đã nêu là nhà đầu tư nước ngoài có một không hai ở Việt Nam.
 
Sản lượng vàng năm 2014 vừa được Besra gỡ bỏ ra khỏi trang web của mình sau khi cơ quan thuế Quảng Nam có lệnh cưỡng chế.
Đối với hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn là tài nguyên lớn nhất và quý hiếm nhất của Việt Nam đang có nguy cơ chảy máu qua bàn tay của nhà đầu tư kỳ quái Besra. 
 

Chỉ riêng con số sản lượng vàng khai thác được là 6,9 tấn mà Tập đoàn Besra công bố cũng cần phải được thanh tra và giám sát lại. Thông tin số liệu của Besra lưu giữ tại hai Data center ở New Zealand và dịch vụ Cloud Storage của Amazon nằm hoàn toàn ngoài lãnh thổ Việt Nam là không minh bạch.

Ngay sau khi có lệnh cưỡng chế thuế, Besra đã gỡ bỏ sản lượng vàng khai thác năm 2014 là 70.000 oz ra khỏi biểu đồ sản lượng từng năm trên trang web của mình.

Những dấu hiệu thiếu minh bạch của tập đoàn Besra và việc báo lỗ liên tiếp là dấu hiệu của việc chuyển giá mà các cơ quan pháp luật cần chú ý.

Theo Minh Sơn – Hồ Xuân

Một thế giới

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *