Tài chính ngân hàng 26/06/2020 07:44

Trái phiếu Việt Nam và ASEAN bị đánh giá nhiều rủi ro

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa dự báo không mấy sáng sủa về trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi do dịch bệnh. Trong khi đó, nghiên cứu mới đây, Viện VEPR dự đoán các nền kinh tế ASEAn sẽ gặp thâm hụt ngân sách lớn và tự gây khó khi đua xuống đáy các ưu đãi.

Cụ thể, trong Báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á mà Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố hôm nay (25/6) cho thấy, trái phiếu Chính phủ của Việt Nam cùng nhiều nước trong khu vực vẫn đối diện với nhiều rủi ro.

ADB dự báo rủi ro nhiều trái phiếu Chính phủ

Cụ thể, theo Báo cáo trên, lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng đi xuống tại hầu hết các thị trường khu vực trong giai đoạn từ tháng 2 - 5 năm nay, trong khi các thị trường vốn cổ phần ở khu vực Đông Á mới nổi bị thua lỗ và các đồng nội tệ bị mất giá so với đồng USD.

Các thị trường mới nổi gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Trái phiếu Chính phủ Việt Nam và nhiều nền kinh tế bị ADB xếp hạng rủi ro

Rủi ro sẽ vẫn tiếp diễn, chủ yếu do đại dịch Covid-19 có thể kéo dài với những làn sóng bùng phát mới khiến cho các hoạt động kinh tế cầm chừng. Bên cạnh đó, các yếu tố rủi ro khác bao gồm căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như sự biến động tài chính do các dòng vốn bị rút khỏi những thị trường mới nổi cũng khiến khu vực Đông Á mới nổi chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn.

Cũng về vấn đề hồi phục kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN, tại hội thảo “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN – Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp" do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) tổ chức chiều 25/6 khẳng định, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng kinh tế chưa từng có.

Theo báo cáo của VEPR, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có mức thâm hụt ngân sách trong một thời gian dài. Malaysia, Myanmar, và Lào đều thâm hụt ngân sách trong tất cả các năm của giai đoạn 2000-2020 (21 năm). 

Trong khi đó, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, và Philippines có từ 17 đến 20 năm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn này. Chỉ tính riêng năm 2018, sáu quốc gia thành viên ASEAN có mức thâm hụt ngân sách lớn và một số quốc gia ghi nhận mức nợ công cao. 

Thâm hụt ngân sách lớn và rủi ro khi đua nhau xuống đáy ưu đãi

"Tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công cao sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể khi các nước tăng chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Các nước ASEAN dự kiến phải đối mặt với thâm hụt ngân sách với tỷ lệ trung bình 4,2% GDP năm 2020”, VERP phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện VEPR cho biết, các nước thành viên ASEAN cần tăng cường hợp tác và thống nhất với nhau về tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu vực. 

"Các Chính phủ cần ngăn chặn các thực hành thuế có hại gây thất thu ngân sách, mất đi nguồn lực để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên", ông Thành nói.

Theo ông Ah-Maftuch, Điều phối viên Liên minh Thuế và Công bằng Tài khóa châu Á cho rằng, các quốc gia thành viên ASEAN cần phối hợp loại bỏ các chính sách thuế có lợi cho nước mình nhưng có hại cho nước láng giềng, chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế gây thất thu ngân sách, khiến cho người dân các quốc gia nghèo hơn thêm khó khăn trong cuộc sống.
 

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *