Tài chính ngân hàng 14/06/2020 09:19

"Tiền đọng" ngày càng nhiều, nỗi lo hàng triệu tỷ đồng

Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay. Trong khi dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp thì tiền tiết kiệm vẫn đổ về ngân hàng.

Tiền đổ về ngân hàng 

Đến cuối tháng 5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp xa con số 5,74% cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm. Các ngân hàng mong muốn tìm được khách hàng để cho vay, nhưng nhu cầu vay mới chưa nhiều. Đó là thông tin được đại diện NHNN đưa ra tại buổi họp báo hoạt động ngân hàng 5 tháng đầu năm 2020. 

Ngược lại, huy động vẫn tăng trưởng cao hơn. Cũng theo số liệu của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi cho vay, chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.

Tiền đọng ngày càng nhiều, nỗi lo hàng triệu tỷ đồng - 1

Ngân hàng mong tìm được khách hàng để cho vay, nhưng lãi suất cao chẳng ai muốn vay.

Thừa tiền, các ngân hàng đang giảm lãi suất huy động. Khảo sát biểu lãi suất của một loạt các ngân hàng cho thấy, vào đầu tháng 6/2020 đã giảm từ 0,05-0,5 điểm %. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng lớn là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đã hạ lãi suất cho vay từ 0,1-0,45 điểm %/năm. Hiện lãi suất các kỳ hạn từ 6-36 tháng của nhóm này chỉ còn từ 4,9%-6,5%/năm. 

Các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng hạ lãi suất từ 0,05-0,5 điểm %/năm. Chẳng hạn như Ngân hàng Quốc dân (NCB) tháng 5/2020 có lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ là 7,5%/năm sang tháng 6 đã giảm xuống còn 7,45%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng 7,55%/năm giảm còn 7,45%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng 8%/năm giảm còn 7,8%/năm. 
Tuy nhiên, mức giảm lãi suất huy động như trên được cho là vẫn chưa đáng kể. 

Với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 6 tháng vẫn giữ ở mức từ 7%-7,45% thì sẽ phải cho vay từ 10%-10,45%/năm là khá cao, khiến nhiều DN không muốn vay vốn.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), trong tình hình hiện nay, các DN mong muốn được vay vốn ngắn hạn với lãi suất từ 4-5%/năm nhưng không được. Hiện nhiều DN vẫn phải vay vốn ngắn hạn ở mức từ 7%-0,5%/năm.

Ngân hàng mong muốn tìm được khách hàng để cho vay, nhưng lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay chẳng ai muốn vay vốn. Các ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank luôn có lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không hề dễ dàng. DN phải có lịch sử tín dụng tốt, có dự án tốt, có tài sản đảm bảo, là khách hàng lâu năm.

Doanh nghiệp sợ lãi cao

Các ngân hàng đang trông đợi vào nửa cuối 2020 tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn. Thông thường về cuối năm, nhu cầu về vốn của DN và người dân đều tăng. Hơn nữa, việc tái cơ cấu các khoản nợ cho khách hàng đang diễn ra. Càng về cuối năm, càng có thêm nhiều khách hàng được tái cơ cấu nợ, gia hạn nợ, giãn nợ sẽ đủ điều kiện để vay vốn, như vậy sẽ giúp cho tín dụng tăng nhanh hơn.

Tiền đọng ngày càng nhiều, nỗi lo hàng triệu tỷ đồng - 2

Nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các dự báo cho thấy khó khăn không thể qua nhanh. Một loạt các ngành nghề như nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, ô tô, dầu khí, giáo dục,...vẫn đang vật lộn với suy thoái.

Sản xuất kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật,... dịch vẫn bùng phát. Việc xuất khẩu sang các thị trường này giảm mạnh. Như vậy, nhu cầu về vốn của DN sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa.

Với phân khúc khách hàng cá nhân, sự khó khăn trong thời gian qua là thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm sút, khiến mọi người phải thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu vay tiêu dùng. 

Vì vậy, tín dụng chắc chắn sẽ còn tăng trưởng thấp. Hiện các ngân hàng đang phải “đẩy vốn” vào trái phiếu Chính phủ cho dù lãi suất thấp. lách vào trái phiếu DN. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết trong tháng 5 đã tổ chức 16 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động được 18.392 tỷ đồng, tăng 510% so với tháng trước, với lãi suất trúng thầu chỉ từ 2,2%-3,43%/năm.

Bên cạnh đó là mua trái phiếu DN. Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, trái phiếu DN phát hành thành công gần 80.000 tỷ đồng, trong đó riêng các DN bất động sản chiếm 30.000 tỷ đồng, với lãi suất huy động từ 11-19,5%. Tuy nhiên, lãi suất cao thì rủi ro cũng cao.

Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo kinh tế phát triển, tăng trưởng tín dụng 2020 phải đạt 14%, trong khi hết tháng 5 mới đạt gần 2% thì 7 tháng còn lại khó hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Còn tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy, để giữ mức tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 10%.

Nhiều ngân hàng đang lo lắng về hiện tượng thừa tiền trong khi tăng trưởng tín dụng thấp bởi sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, trong tình hình lạm phát thấp dưới 4%, các ngân hàng nên giảm mạnh lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.

Cùng với đó là đẩy nhanh tái cơ các các khoản nợ, giúp nhiều DN có điều kiện tiếp cận vốn vay. Đến nay vẫn có tới 80% số DN chưa được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, thì việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là điều không thể và như vậy sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Theo: Trần Thủy

Vietnamnet

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *