Tài chính ngân hàng 03/12/2022 08:58

Phó thống đốc nói về điều hành lãi suất thời gian tới

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà, cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất.

TThời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Trao đổi với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết việc điều chỉnh lãi suất được tính toán dựa trên một số cơ sở.

Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.

Thứ hai, trong nước, lạm phát chung trong tầm kiểm soát, nhưng chỉ dấu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là lạm phát cơ bản. Xu hướng lạm phát cơ bản tiếp tục tăng.

Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp các ngân hàng thu hút thêm nguồn vốn. Từ đó, có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà (Ảnh: VTV).

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, NHNN cho rằng mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây đã đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19 là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỉ giá.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định ở giai đoạn nhiều rủi ro về lạm phát, về thị trường tài chính tiền tệ hiện nay, các nước siết chặt dần biện pháp chính sách tiền tệ. Việt Nam không thể tránh được việc buộc phải siết chặt chính sách tiền tệ. Dự báo năm 2023, các nước sẽ tiếp tục xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ và sau đó là đến chính sách tài khóa.

Tuy nhiên, sang năm 2023,đã có một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt, Cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất rất mạnh nhưng biến động tỉ giá, áp lực của đồng đô la không rõ nét như thời điểm trước, đồng thời Fed cũng đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục cân nhắc tăng lãi suất nhưng ở cường độ nhẹ hơn, có thể tăng kéo dài trong 2023. Mục tiêu chống lạm phát vẫn còn nhưng giảm nhiệt dần.

Với những điều kiện cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô vẫn rất tốt, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023, khi các biện pháp cứng rắn của các ngân hàng trung ương có thể giảm nhiệt.

Theo D. Ngọc
Người Lao Động

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *