Tài chính ngân hàng 17/08/2021 19:49

Liệu đồng USD có còn là một tín hiệu cảnh báo rủi ro?

Trong 10-15 năm qua, một đại diện tốt nhất để đo lường mức độ lo ngại rủi ro trên thị trường tài chính là tỷ giá chéo của đô la Mỹ (USD)/yên Nhật (JPY).

E ngại rủi ro là giai đoạn khi các nhà giao dịch rời bỏ vị thế trong các tài sản có lợi suất cao hơn và chuyển sang các loại tiền tệ trú ẩn an toàn. Điều này thường xảy ra trong thời điểm không chắc chắn và biến động mạnh, một môi trường được gọi là “rủi ro”.

Khi đồng JPY tăng giá, các tài sản rủi ro có xu hướng mất giá (risk-off) ngược lại khi JPY giảm giá, đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên (risk-on), các tài sản rủi ro sẽ tăng lên.

Theo ông Bernard Lapointe - Giám đốc Phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ tháng 1/2021 cho đến tháng 4/2021, đồng JPY đã giảm giá so với USD, trùng với mức S&P 500 đang tăng, vốn đã được coi là hiện tượng thường thấy. Tuy nhiên kể từ đó, JPY đã dao động trong phạm vi giao dịch từ 108 đến 111 so với USD.

Có nghĩa là USD đã không thể tăng đáng kể so với đồng JPY trong khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến các mức cao mới hàng tuần. Vậy mối quan hệ giữa đồng JPY yếu hơn và các tài sản có rủi ro tăng cao hơn có bị phá vỡ không?

Một đồng tiền khác thường tăng giá so với USD trong giai đoạn rủi ro là Franc Thụy Sĩ, đồng tiền này ghi nhận biến động tương tự so với JPY vào ngày 13/8 - mạnh hơn so với USD. Cả hai đều được các nhà đầu tư coi là đồng tiền ‘trú ẩn an toàn’.

Ngày 13/8, đồng JPY tăng giá 0,7% so với đồng bạc xanh trong khi S&P 500 đóng cửa mức cao nhất lịch sử. "Những gì chúng tôi quan sát được từ hành vi của cặp tiền tệ USD/JPY kể từ tháng 4 là có sự khác biệt giữa thực tế là USD không thể tạo mức cao mới trong khi S&P 500 đang nhích dần lên trong tuần qua" - ông Bernard Lapointe cho hay.

 
 

Ông Bernard Lapointe cũng đánh giá rằng, đồng euro (EUR), không nhất thiết là một đại diện tốt để đo lường mức độ lo ngại rủi ro, đã đi ngang trong suốt giai đoạn từ tháng 4 đến nay. Mặc dù mức tỷ giá 1,17 so với USD dường như hàm ý mức đáy.

 

Kết quả của mối tương quan yếu đi giữa tỷ giá USD/JPY mạnh hơn và giá cổ phiếu cao hơn (risk-on), chỉ số Dollar Index (DXY) đã không thể vượt mức 93-93,5 kể từ đầu năm.

 

"Tín hiệu được thị trường đưa ra - USD mạnh hơn/tài sản rủi ro mạnh hơn - hiện đã bị phá vỡ nhẹ. Điều này có phải là tạm thời hay không? Có phải vì vai trò ngày càng tăng của tiền điện tử? Liệu đồng JPY không phải là những gì như nó đã từng? Đây đều là những câu hỏi nan giải. Thời gian sẽ trả lời" - ông Bernard Lapointe để ngỏ vấn đề.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *