Tài chính ngân hàng 29/09/2021 09:52

Hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ đồng: Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói gì?

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị ngân hàng mở "hầu bao" cho vay ưu đãi thêm 30.000 tỷ đồng.

Chiều nay (28/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, các hãng bay, ngân hàng thương mại có dư nợ tín dụng hàng không nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nợ của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng

Chia sẻ tại cuộc họp, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, sau những năm tăng trưởng với tốc độ cao, ngành hàng không Việt Nam đã chịu tác động tiêu cực rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm nay giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch.

Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%. 2 tháng đầu năm là thời kỳ cao điểm vận chuyển hàng không nhưng cả khách nội địa và quốc tế cùng giảm.  

"Các ngân hàng thương mại đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn; đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho Vietnam Airlines mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Pacific Airlines báo cáo đã được vay 50 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam thông tin.

Thông tin tại cuộc họp, Hiệp hội cho hay, tính đến giữa năm nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.

Hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ đồng: Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói gì? - 1

Các hãng hàng không cho biết gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Hiện Pacific Airlines cần vay 5.700 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, Vietnam Airlines cần vay vốn ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Vietjet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 8.000 - 10.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn trong thời gian 3 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 4%.

Bamboo Airway cũng đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn như Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất, điều kiện ưu đãi. Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi, điều kiện ưu đãi.

Tổng nhu cầu vốn vay ưu đãi theo đề xuất của các doanh nghiệp là từ 29.700 đến 33.700 tỷ đồng.

Những ngân hàng nào đang cho vay hàng không cả nghìn tỷ đồng? 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - cho biết, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, ngân hàng vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà ngân hàng này còn hỗ trợ vốn cho hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ… với số vốn 16.000 tỷ đồng.

Liên quan đến mặt bằng lãi suất, đại diện Vietcombank khẳng định "mức vốn cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp. Như lãi suất cả ngắn hạn và trung dài hạn cho vay đối với doanh nghiệp (DN) hàng không là không có margin, chênh lệch vô cùng thấp. Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này mang tính hỗ trợ là chủ yếu".

Đại diện BIDV thông tin, tổng hạn mức mà ngân hàng này cấp cho Vietnam Airlines cũng như Bamboo Airways là 3.300 tỷ đồng. Dư nợ cấp cho hai hãng hàng hàng không này là 2.800 tỷ đồng. Thời gian qua, tổng dư nợ cơ cấu cho Vietnam Airlines là 12,4 triệu USD cùng hơn 715 tỷ đồng cho vay ngắn hạn.

Từ nay đến hết năm, dự kiến BIDV cơ cấu thêm cho 2 hãng bay này là 965 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ mà ngân hàng này cơ cấu cho DN hàng không là 1.700 tỷ đồng. Ngoài cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng này cũng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu với lãi suất rất ưu đãi cho DN. Nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì margin là âm.

Theo đó, BIDV kiến nghị NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai. Đây là khó khăn của ngân hàng khi tiếp tục cấp vốn, duy trì và gia tăng hạn mức cho các hãng hàng không.

Vì nếu như theo chính sách cấp tín dụng, BIDV phải giảm dần dư nợ, yêu cầu DN trả nợ. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không, BIDV vẫn duy trì cấp vốn lưu động cho các hãng hàng không duy trì hoạt động.

Hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ đồng: Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói gì? - 2

Ngành hàng không đề nghị được vay thêm hơn 30.000 tỷ đồng vốn ưu đãi từ các ngân hàng (Ảnh minh họa: Quốc Chính).

Tổng giám đốc HDBank cũng thông tin, tổng dư nợ cho vay hệ sinh thái hàng không đạt gần 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, cho vay của ngân hàng này với Vietjet Air đã chạm ngưỡng 2.500 tỷ đồng.

HDBank kiến nghị sẵn lòng hỗ trợ thêm nếu NHNN nới giới hạn tín dụng. Thậm chí không cho nới giới hạn thì ngân hàng cũng bảo lãnh để Vietjet đi vay nước ngoài khi chi phí vốn hiện hợp lý.

Mặt khác, theo kiến nghị của HDBank, NHNN nên nới room tín dụng để ngân hàng này cho vay nền kinh tế bởi room gần hết nên không cho vay được DN lớn mà chỉ cho vay được DN nhỏ lẻ.

Phó Thống đốc: Đề xuất cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng không phải là lớn nhất!

Chia sẻ với những khó khăn của các hãng hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng vay vốn ngân hàng. các ngân hàng thương mạnh chủ động cho vay ưu tiên.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 nếu tình hình diễn biến còn khó khăn thì sẽ tiếp điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ ngành hàng không. Qua đó, ông đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên, giảm lãi suất cho các hãng hàng không cũng như mạnh dạn cho các hãng vay tín chấp.

Theo đánh giá của ông Tú, dư nợ tín dụng ngành hàng không là 24.000 tỷ đồng, việc ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi thêm 30.000 tỷ đồng, tổng khoảng trên 50.000 tỷ đồng.

"Hiện nay có khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 trên tổng 9,8 triệu tỷ đồng. Như vậy, con số vay của hàng không đâu phải quá lớn so với các lĩnh vực khác, trong khi hàng không là loại hình hết sức đặc biệt", Phó Thống đốc so sánh.

Vị đại diện NHNN cũng cho biết thêm, thời gian tới, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất và trình lên Chính phủ sớm về gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không.

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *