Tài chính ngân hàng 12/01/2020 07:19

Giá vàng tăng "sốc" chưa từng có vì "chảo lửa" Trung Đông

Tuần qua, giá vàng đã có một đợt biến động chưa từng có trong nhiều năm, sau khi Mỹ không kích giết chết tướng quân đội Iran và những cuộc trả đũa tại "chảo lửa" Trung Đông. Ngoài ra, độc giả cũng dành sự quan tâm đến những vấn đề “nóng” khác như Cảnh sát giao thông được giữ 70% tiền phạt, triển vọng ngành rượu, bia sau tác động của luật mới.

Giá vàng tăng "chóng mặt"

Thị trường vàng đã có một đợt biến động chưa từng có trong nhiều năm sau cú sốc địa chính trị với việc Mỹ cho máy bay không người lái giết chết vị tướng quyền lực của Iran ngay tại sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.

Iran xác nhận đã tấn công hàng chục quả tên lửa vào căn cứ Ayn al-Asad, nơi có quân Mỹ đồn trú ở Iraq, động thái nhằm đáp trả vụ Washington không kích khiến tướng cấp cao Qassem Soleimani thiệt mạng hồi tuần trước.

Giá vàng tăng sốc chưa từng có vì chảo lửa Trung Đông - 1

Giá vàng tăng "chóng mặt" trong những ngày qua

Chốt phiên giao dịch 7/1 (giờ Việt Nam) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tiếp tục tăng thêm 9 USD/ounce, vọt qua mốc 1.570 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng tới 36,9 USD/ounce, giao dịch ở mức 1.611,1 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 43,68 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,88 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 43,69 triệu đồng/lượng - 43,87 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC chốt phiên ở mức 43,65 triệu đồng/lượng - 44 triệu đồng/lượng.

Cảnh sát giao thông giữ 70% số tiền xử phạt?

Giá vàng tăng sốc chưa từng có vì chảo lửa Trung Đông - 2

Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ được nộp vào ngân sách

Trước thông tin về việc phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc lực lượng công an được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông gây xôn xao dư luận, Bộ Tài chính có phản hồi chính thức.

Theo đó, Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

"Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước..." - Bộ Tài chính dẫn giải và khẳng định không có chuyện Cảnh sát giao thông được giữ 70% số tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Khi khách nhậu "rửa tay", "gác chén"...

Giá vàng tăng sốc chưa từng có vì chảo lửa Trung Đông - 3

Hà Nội: Quán nhậu đìu hiu vắng khách, thất thu sau Nghị định 100. Ảnh: Đỗ Quân

Ở một quốc gia với mức tiêu thụ rượu bia thuộc hàng “top” trên thế giới như Việt Nam thì rõ ràng, quy định xử nặng tài xế uống rượu bia sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu bia , cả ở phân khúc sản xuất lẫn kinh doanh, phục vụ...

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính doanh nghiệp Phan Lê Thành Long cho rằng việc ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phục vụ rượu bia là khá rõ ràng. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn đến đâu, có dài hạn hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực thi pháp luật, nếu thực thi không tốt, lỏng lẻo thì ảnh hưởng không lớn, ông Long nhận định.

Cùng với việc suy giảm ngành rượu bia là những ngành nghề mới xuất hiện kèm theo như dịch vụ “lái xe, đưa người say về nhà". Ngoài ra, các ngành vận tải như taxi hay ứng dụng gọi xe cũng “ăn theo” rất nhiều khi Nghị định 100 đi vào thực tế.

Những vụ sai phạm kinh tế có dấu hiệu hình sự 

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, 5 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan Kiểm toán xin ý kiến Thủ tướng và chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Cụ thể là: sai phạm quản lý khu đất hơn 5.600 m2 tại Hồ Đống Đa của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Thủy; vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý và sử dụng diện tích gần 3.000 m2 tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội; vụ việc liên quan đến dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày.

Đặc biệt, hai vụ việc liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam, là vụ việc của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho các mục đích khác, dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay.

Vụ Công ty TNHH xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Được biết, hiện doanh nghiệp này đã dừng hoạt động, vẫn nợ ngân hàng hơn 30 tỷ đồng.

Mai Chi (tổng hợp)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *