Tài chính ngân hàng 19/06/2020 11:03

Giá vàng SJC tiếp tục giảm ngược chiều thế giới

Sáng nay 19/6, giá vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới đang trong xu hướng đi lên.

Phiên giao dịch sáng nay 19/6, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch tại mức 48,38 triệu đồng/lượng (mua vào) - 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 48,39 triệu đồng/lượng - 48,54 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Các mức giá này điều chỉnh giảm nhẹ mỗi chiều 20.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 48,38 triệu đồng/lượng - 48,67 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tiếp tục giảm ngược chiều thế giới - 1

Sáng nay 19/6, giá vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới đang trong xu hướng đi lên.

Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng 4,5 USD, giao dịch ở mức 1.727,4 USD/ounce.

Giá vàng bật tăng trong phiên sáng nay được giới đầu tư đánh giá là do tác động bởi những căng thẳng tại bán đảo Triêu Tiên sau khi Bình Nhưỡng cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở biên giới hai nước; đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều khu vực trong đó có Bắc Kinh; cùng với khả năng Ấn Độ trừng phạt kinh tế Trung Quốc…

Hôm qua, giá vàng thế giới hạ nhiệt trong bối cảnh giới đầu tư đang đánh cược vào triển vọng hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế Mỹ. Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa, dù một số bang ở nước này ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gia tăng.

Ngoài ra, giá vàng còn chịu sức ép khi đồng USD đang mạnh lên bởi các ý kiến gần đây từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hỗ trợ đồng tiền này. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 17/6 cho biết, nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tồi tệ do tác động từ dịch Covid-19. Nhưng với khoảng 25 triệu người Mỹ đã mất việc làm và đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cần thêm sự giúp đỡ.

Dữ liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins cho thấy, từ ngày 10 -17/6, bang Oklahoma ghi nhận trung bình khoảng 203 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng khoảng 110% so với giai đoạn 7 ngày trước đó.

Tính đến sáng 18/6, với 1.825 ca nhiễm, Tulsa vẫn là thành phố có số ca nhiễm cao nhất trong tất cả thành phố tại Oklahoma. Số ca nhiễm mới tại Tulsa vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Xét trên quy mô cả nước, Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 120.000 ca tử vong và hơn 2,26 triệu ca nhiễm.

Tại Trung Quốc, ổ dịch Covid-19 bùng phát ở một chợ hải sản tại Bắc Kinh đã khiến cuộc sống tại thủ đô Trung Quốc xáo trộn trong gần một tuần qua. 9 trong số 11 quận ở Bắc Kinh đều ghi nhận có ca nhiễm, trong đó quận Phong Đài với ổ dịch ở chợ nông sản Tân Phát Địa là nghiêm trọng nhất.

Fed và ngân hàng trung ương các nước đang khiến giới đầu tư đánh cược vào sự gia tăng thanh khoản trên các thị trường và qua đó kéo giá cổ phiếu đi lên, bất chấp doanh nghiệp suy yếu. Điều này có thể sẽ tạo ra những bong bóng tài sản lớn chưa từng có.

 An Hạ

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *