Tài chính ngân hàng 15/08/2021 10:21

Đề xuất giảm tới 5% lãi suất cho vay: Tiền của ai?

Giới chuyên gia cho rằng, đề xuất giảm lãi suất cho vay từ 3-5% là vấn đề vô cùng khó trong bối cảnh hiện nay, nếu không nói là viển vông, không khả thi.

Đề nghị giảm 3-5% lãi suất cho vay

16 tổ chức tín dụng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Các ngân hàng này đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TPHCM, Bình Dương…

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với doanh nghiệp lúc này.

Đề xuất giảm tới 5% lãi suất cho vay: Tiền của ai? - 1

16 tổ chức tín dụng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm (Ảnh: Quốc Chính).

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, cùng với các giải pháp đang tiếp tục thực hiện từ năm 2020, tổng gói hỗ trợ tiếp theo Bộ Tài chính đang đề xuất khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Cũng theo ông Chi, trong năm nay, các khoản hỗ trợ thuế, phí lên đến 118.000 tỷ đồng.

Số liệu do Tổng Cục Thống kê đã công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhân Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 8/8, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh đánh giá đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay và đợt thứ tư đã tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm 98,2% số doanh nghiệp trên cả nước, chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Từ thực tiễn này, Hiệp hội đã gửi 10 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Một trong những kiến nghị đáng lưu ý là đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3-5% lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, trong điều kiện thực hiện "mục tiêu kép" - vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất. Cùng với đó là ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines).

Giảm lãi suất thêm 3-5% nhưng tiền của ai?

Trao đổi với Dân trí, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá cao việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp. Ngân hàng đang nghiêm túc thực hiện, thể hiện qua những cam kết, số liệu hỗ trợ cụ thể 20.300 tỷ đồng.

Theo tính toán của ông Lực, con số mà ngân hàng đồng hành, giảm lãi suất cho vay hiện hữu, khoản vay mới, giảm các loại phí đến cuối năm có thể lên tới 65.000 tỷ đồng.

Vậy nên, với kiến nghị giảm từ 3-5% lãi suất cho vay của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông Lực đặt câu hỏi "giảm nhưng tiền của ai?".

Ông Lực cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn của doanh nghiệp. Bởi chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. Nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay dẫn tới hệ lụy là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh.

"Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì không có đầu ra. Thực tế, một số doanh nghiệp đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A - vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%/năm, là ngồi mát ăn bát vàng. Thậm chí, doanh nghiệp vay tiền rót vào chứng khoán, bất động sản và 5 năm nữa chúng ta sẽ chịu hệ lụy" - ông Lực nói.

Một giảng viên kinh tế cho hay, việc giảm lãi suất cho vay tới 5% là vấn đề vô cùng khó trong bối cảnh hiện nay, nếu không dám nói là không khả thi. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa 2 lãi suất huy động - lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, doanh nghiệp đòi giảm từ 3-5%, ngân hàng sống bằng gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng - kiến nghị hệ thống ngân hàng xây dựng "tổ hợp tín dụng". Ông Hiếu nói: Ở nước ngoài, có những dự án vốn rất lớn, một mình ngân hàng không tham gia được vì vượt hạn mức cho vay theo quy định. Họ sẽ tập hợp từ 10-12 ngân hàng vào thành một tổ hợp tín dụng và từ đó tài trợ cho dự án.

"Tại Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước cần đứng ra tổ chức một tổ hợp tín dụng cho toàn quốc và yêu cầu các ngân hàng phải tham gia. Hạn mức cho tổ hợp này phải tương đương với gói năm ngoái là 300.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng tham gia với một tỷ lệ tương đương 3% tổng dư nợ hiện tại của mỗi ngân hàng. Hiện tại, tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 9,5 triệu tỷ đồng, vậy nên con số hạn mức đó sẽ lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng tham gia vào và cho vay ra với lãi suất thấp từ 3-5%" - ông Hiếu nêu ý tưởng.

Vậy câu hỏi đặt ra là tiền đâu để cho vay với lãi suất thấp như vậy? Ông Hiếu cho rằng: Các ngân hàng có nguồn huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%. Ngân hàng nên lấy phần tiền gửi không kỳ hạn này để đóng góp vào trong tổ hợp tín dụng và cho doanh nghiệp vay với hình thức vay 5 năm, 2 năm đầu vay tuần hoàn, vay đi trả lại và 3 năm sau trả dần cho đến khi hết nợ.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy chế cho vay, rồi đứng ra giám sát để tổ hợp tự điều hành, cần chọn ra một ngân hàng đứng đầu điều hành. Tổ hợp sẽ cho vay tín chấp mà vay tín chấp thì lại rủi ro cho các ngân hàng. Chính vì thế, tổ hợp tín dụng này phải liên kết với Quỹ bảo lãnh tín dụng do Chính phủ thành lập, để bảo lãnh cho ngân hàng để họ yên tâm cho doanh nghiệp vay vốn" - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *