Quốc tế 19/05/2014 15:27

“Trung Quốc ngạo mạn nguy hiểm trên Biển Đông”

FICA - Đây là nhận định của phóng viên, nhà phân tích Philip Bowring của tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng tại Hồng Kông. Theo đó, chuyên gia này nhận định lối cư xử hung hăng, ngạo mạn của Bắc Kinh khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Hành động của Trung Quốc trên biển Đông bị quốc tế lên án là ngang ngược và nguy hiểm

Hành động của Trung Quốc trên biển Đông bị quốc tế lên án là ngang ngược và nguy hiểm

 

Trong bài viết được đăng tải hôm 18/5, ông Bowring đã có những chỉ trích gay gắt lối hành xử của Trung Quốc, mà theo ông là “mang nặng màu sắc chủ nghĩa sôvanh Đại Hán, chủ nghĩa vị chủng, cho rằng dân tộc mình là nhất”.

 

“Vượt qua khuôn khổ của việc thể hiện lòng tự tôn dân tộc, lối cư xử đó đang khiến cho chủ nghĩa yêu nước bị nhuốm một màu sắc xấu”, nhà bình luận này khẳng định, và kêu gọi những người Hong Kong yêu nước nên nhận ra đúng bản chất của nó là: một mưu đồ nham hiểm.

 

“Bắc Kinh không chỉ đang lộ rõ nanh vuốt của kẻ bành trướng với Việt Nam và Philippines, họ còn thành công trong việc khiến Indonesia chuyển từ vị thế của trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước thành viên Đông Nam Á, trở thành người đối đầu với mình.

 

Trong những tháng gần đây, 2 lần Indonesia cáo buộc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna. Như vậy là quá đủ cho cái gọi là “trỗi dậy hòa bình”, một khi họ đã chọc tức những người láng giềng với dân số hơn 400 triệu dân, mà họ xem là yếu đuối”, tác giả viết

 

Tất cả những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc nằm gọn trong đường 9 đoạn, cách xa bờ biển tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam tới trên 1000 hải lý, gần sát đảo Borneo, khu vực được Malaysia, Indonesia và Brunei cùng chia sẻ, và ôm trọn hầu như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố này tương đương hơn 90% diện tích vùng biển trên, cho dù Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chỉ có khoảng 20% đường bờ biển.

 

Những tuyên bố này đều dựa trên căn cứ là chủ quyền lịch sử, vốn dễ dàng phớt lờ sự tồn tại của những người khác và lịch sử vươn khơi, giao thương của họ từ 2000 năm trước, tức là trước cả những chuyến đi của Trung Quốc xuống vùng biển Đông và xa hơn.

 

Về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa, và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philip Bowring khẳng định Trung Quốc vin vào việc họ đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, vốn gần giàn khoan hơn so với khoảng cách từ giàn khoan tới Việt Nam.

 

“Nhưng bản thân quần đảo này từ lâu là tranh chấp giữa hai nước, và vấn đề hiện chỉ tạm lắng sau cuộc xâm chiếm không báo trước của Trung Quốc năm 1973”, Bowring khẳng định.

 

“Nhưng do họ chưa bao giờ thực sự từng định cư lâu dài tại đây, Trung Quốc có lý lẽ rất yếu để đòi hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý so với Việt Nam. Lịch sử cũng cho thấy rằng, bờ biển này từng là trái tim của quốc gia thương nghiệp Chăm, những người trong suốt 1000 đi đầu trong thương mại của khu vực”.

 

Theo tác giả, tranh chấp có thể được giải quyết bằng đối thoại và nhượng bộ, như Malaysia và Thái Lan đã làm đối với vùng Vịnh Thái Lan giàu khí đốt. Indonesia, Singapore và Malaysia cũng đã đưa vấn đề sở hữu hòn đảo lên Tòa công lý quốc tế và chấp nhận phán quyết.

 

Nhưng Trung Quốc thì vừa không chịu nhượng bộ, vừa không muốn ra tòa phân xử. Trong khi đó việc cùng khai thác là không thể, bởi Trung Quốc luôn gắn việc này với điều kiện Việt Nam phải chấp nhận chủ quyền của họ.

 

Ngụy tạo lịch sử

 

Trong trường hợp các bãi cạn ngoài khơi Philippines, lập luận của Trung Quốc đã dựa trên sự ngụy tạo lịch sử và thực tế rằng họ đưa ra tuyên bố chủ quyền trước. Tất cả đều là những căn cứ nghèo nàn khi họ không có sự hiện diện liên tục tại những vùng này, còn Philippines được thừa hưởng lại sau một hiệp ước giữa 2 cường quốc thực dân phương Tây.

 

“Những bãi cạn đó và các đặc điểm của nó mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển từ lâu người Philippines đã khai thác, đến mức không có gì để bàn cãi”, bài báo viết.

 

Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon khoảng 200km trong khi cách Trung Quốc tới 650 km. Hay việc tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Half Moon (Bán Nguyệt) còn trắng trợn hơn. Đây chính là khu vực Philippines đã bắt các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc bắt những con rùa khổng lồ, một lòai được bảo vệ. Dân chúng Trung Quốc đã biểu tình dữ dội. Nhưng bãi san hô này cách Trung Quốc gần 1500 km

 

Bài báo khẳng định không có việc các nhà nước xưa kia thường cống nạp cho Bắc Kinh. Với các quốc gia thương mại đó, cống nạp là một loại thuế, là chi phí để giao thương với Trung Quốc, và không thể mang hàm ý về chủ quyền của Trung Quốc. Hay những tuyên bố chủ quyền ngang ngược rằng Trung Quốc có chủ quyền từ thời Quốc Dân Đảng cũng không thể chấp nhận.

 

Thanh Tùng
Theo SCMP

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *