Quốc tế 27/05/2014 15:50

World Cup 2014 - Lời cảnh báo cho thị trường tài chính toàn cầu?

FICA - Không khí World Cup 2014 đang nóng lên từng ngày. Tuy nhiên, sự kiện thể thao lôi cuốn sự chú ý của cả thế giới này có thể là lời cảnh báo vấn đề với thị trường tài chính.

 
“Đối với nhiều người, World Cup có thể là quãng thời gian của sự bực bội và khó chịu. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, ngay cả thị trường tài chính cũng sẽ phải hứng chịu sự khó chịu trong suốt thời gian diễn ra World Cup”, Dario Perkins, nhà kinh tế học tại trung tâm nghiên cứu Lombard Streets đưa ra trong một bài nhận định. 
 
Giải bóng đá thế giới tổ chức 4 năm một lần sẽ diễn ra tại Brazil trong 4 tuần từ ngày 12/6. Giải thi đấu này diễn ra lần đầu tiên vào năm 1930, năm đầu tiên của cuộc Đại Suy Thoái. 
 
Những kỳ World Cup gần đây cũng diễn ra trùng hợp với cuộc khủng hoảng tài chính như tại Mỹ năm 1990, sự sụp đổ của thị trường trái phiếu bắt nguồn từ Mỹ và lan ra các nước phát triển năm 1994, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và sự sụp đổ của quỹ phòng hộ Long Term Capital Management (LTCM) tại Connecticut vào năm 1998, sự sụp đổ của thị trường nhà đất tại Mỹ năm 2006 và bắt đầu cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2010. 
 
“Sự trùng hợp này khiến tôi phải suy nghĩ, liệu chuyện gì sẽ xảy ra lần này? Dựa vào các kịch bản trước đó, chúng ta có thể suy đoán các “bong bóng” tài chính”, ông Perkin nói. 
 
Abenomics – chương trình vực dậy kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - có thể là một trong các bong bóng tiềm ẩn, ông Perkin nhận định.
 
“Kế hoạch nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản kéo theo chỉ số Nikkei tăng mạnh và phá giá đồng yên với hi vọng chấm dứt giảm phát và thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn trong trung hạn. Tuy nhiên, chính sách này cho đến giờ dường như không đem lại tác dụng”.
 
Kể từ khi ông Abe nhận nhiệm sở vào tháng 12/2012, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 40%.
 
“Nền kinh tế phản ứng chậm với chính sách tăng thuế từ tháng 4 và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) chưa có dấu hiệu mở rộng chương trình nới lỏng định lượng, điều này làm dấy lên rủi ro các hiệu quả của chính sách Abenomics đang nhạt dần”, ông Perkin nói.
 
Kinh tế Mỹ phục hồi chậm cũng là một mối lo khác cho toàn thị trường. 
 
Theo ông Perkin, thị trường vẫn còn hoài nghi liệu kinh tế Mỹ có duy trì đà phục hồi được hay không. Lãi suất cho vay thế chấp tuy chỉ tăng nhẹ nhưng thị trường nhà đất đã cho thấy những dấu hiệu tồi tệ. 
 
Doanh số bán nhà mới tháng 3 của Mỹ xuống thấp nhất trong vòng 8 tháng, dập tắt hy vọng rằng thị trường này sẽ phục hồi nhanh chóng.
 
Nếu như những năm trước thì thị trường có thể kì vọng Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ phản ứng bằng cách  tăng cường kích thích. Tuy nhiên, với việc Fed quyết tâm ngừng gói kích thích kinh tế QE, việc đưa thêm kích thích vào lúc này là không thể. Và hệ quả là một nền kinh tế đình đốn và sự chao đảo không kiểm soát của thị trường cổ phiếu. 
 
Cuối cùng là mối lo từ nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn bấp bênh.  Sự sụp đổ của thị trường nhà đất tại Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới – bắt đầu trầm trọng trong vài tháng gần đây, giá nhà giảm mạnh tại các thành phố do dư thừa nguồn cung.  
 
“Đó là các rủi ro chúng ta có thể thấy được, ngoài ra còn các rủi ro khác không liệu trước được như không ai biết chuyện gì sẽ diễn ra tại Ukraine. Có rất nhiều khả năng tiềm ẩn và thậm chí nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường toàn cầu. Giống như hàng thủ của đội tuyển Anh, hệ thống tài chính toàn cầu dễ bị tổn thương hơn chúng ta nghĩ”, theo ông Perkin.
 
Phương Linh
Theo CNBC

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *