Quốc tế 30/03/2015 14:33

Vì sao vực thẳm nhân khẩu lại đáng sợ với Trung Quốc?

Hầu như ai cũng biết rằng, ở thời điểm hiện tại vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc là sự suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng do mô hình phát triển kinh tế của đất nước này sau ba mươi năm sử dụng đã đến giới hạn cao nhất.

trung quoc
 
Và để tiếp tục duy trì vị thế nền kinh tế thứ hai thế giới, hơn bao giờ hết người Trung Quốc đang khao khát một mô hình kinh tế mới hiệu quả để thay thế cho mô hình mới càng sớm càng tốt. 
 
Nhưng đó cũng chưa phải là vấn đề đáng sợ nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi có một thứ còn đáng sợ hơn, đó là một vực thẳm đang ở ngay trước mặt Trung Quốc mà nước này không thể né tránh, đó là vấn đề nhân khẩu. Nó đang thực sự trở thành một con ngáo ộp có thể nuốt chửng nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần.
 

Nếu hỏi bất cứ một người dân Trung Quốc nào đang ở độ tuổi xấp xỉ 60 – độ tuổi nghỉ hưu phổ biến ở nước này – rằng vấn đề nào khiến họ lo nghĩ nhất, thì đa phần câu trả lời sẽ là: cuộc sống của họ sẽ ra sao khi họ già và về hưu. Thực thế, chính sách sinh một con được chính phủ Trung Quốc áp dụng kể từ những năm 1970 của thế kỷ 20 cộng với việc nền kinh tế nước này phát triển cao độ trong ba mươi năm qua khiến cho hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều đổ xô về các thành phố lớn để tìm việc làm, đang tạo ra một sự phân hóa ghê gớm trong xã hội Trung Quốc. 

Theo đó, hầu hết các gia đình mà hai vợ chồng đều lớn tuổi ở khắp các địa phương của Trung Quốc đều lâm vào tình trạng thiếu sự chăm sóc của con cái, do hầu hết đều đã đến thành phố để tìm việc làm – nơi cách xa quê hương họ hàng trăm cây số và may mắn lắm thì mỗi năm họ chỉ có thể về nhà đúng một lần vào dịp Tết nguyên đán.
 
Sự phân hóa xã hội một cách ghê gớm này đang tạo ra những hệ lụy khủng khiếp đối với người dân Trung Quốc. Ngày càng có nhiều làng xã và thị trấn ở Trung Quốc được mệnh danh là những ngôi làng ma hay các thị trấn ma, trong đó phần lớn dân số tại những nơi đó là những người cao tuổi và gần như không có mặt một người ít tuổi nào, cuộc sống ở những nơi này trôi qua buồn tẻ đến mức thời gian gần như không chuyển động. 
 
Và đây cũng không chỉ đơn giản là sự lây lan tình trạng thiếu sự chăm sóc dành cho những người thuộc độ tuổi về hưu trên khắp Trung Quốc một cách đơn thuần, mà nó đang kéo theo những chi phí khổng lồ trong tương lai cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của tầng lớp những người về hưu đang ngày một tăng trong xã hội nước này do thiếu đi sự chăm sóc của con cái và người thân trong gia đình như một sự thường lệ trước nay vẫn thế.
Việc tăng lượng người về hưu và cùng với đó là các chi phí chăm sóc y tế cũng tăng theo chiều tỷ lệ thuận không phải là hậu quả duy nhất mà vực thăm nhân khẩu đang đe dọa Trung Quốc. Cũng với chính sách sinh một con được áp dụng từ những năm 1970, việc lượng người quá độ tuổi lao động về hưu đang tạo ra một nguy cơ khủng khiếp với Trung Quốc, đó là sự thiếu hụt nhân lực lao động để vận hành nền kinh tế, trong đó số trẻ em sinh ra không đủ để bù lại số lượng người về hưu. 
 
Theo ước tính, đến năm 2030, số người trong độ tuổi lao động từ 15 – 59 tuổi ở Trung Quốc sẽ giảm đi khoảng 61 triệu người, một con số tương đương với nhân lực trong độ tuổi lao động của cả Anh và Pháp cộng lại. Nó đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng 15 năm tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất đi 61 triệu nhân lực so với hiện tại – một con số khổng lồ, và điều này gần như là một thảm họa khi nó đưa ra một đe dọa rằng nền kinh tế thứ hai thế giới hiện tại sẽ không đủ nhân lực cần thiết để duy trì sự vận hành nền kinh tế đất nước.
 
Do đó, một nỗ lực lớn đang được Bắc Kinh triển khai để cố gắng thay đổi chính sách sinh một con được chính quyền của Mao Trạch Đông áp dụng từ đầu những năm 1970, một chính sách đã trở thành một đặc trưng đến nỗi có người đã ví nó như một nét văn hóa độc đáo của Trung Quốc trong thế kỷ 20, tương tự như kiểu tóc đuôi sam dưới triều nhà Thanh trong quá khứ. 
 
Ít người biết rằng, Mao Trạch Đông là người chủ trương rằng các gia đình Trung Quốc cần sinh con càng nhiều càng tốt vào đầu những năm 1950 sau khi thống nhất đất nước. Nhưng 20 năm sau khi dân số Trung Quốc tăng thêm 260 triệu thì Mao và các cộng sự bàng hoàng nhận ra rằng sự gia tăng dân số chóng mặt này đang đẩy Trung Quốc vào một sự sụp đổ vì nạn nhân mãn, do các vấn đề về lương thực, cạn kiệt nguồn tài nguyên và tăng trưởng kinh tế chậm, và Trung Quốc bắt đầu chính sách sinh một con như một sự kiềm chế dân số. 
 
Ở thời điểm đó thì có vẻ như đó là một chính sách đúng đắn khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ vì khép kín và tình trạng thiếu lương thực đang lan tràn khắp nơi. Nhưng khi mà Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và vấn đề tử suất sinh được coi như một đảm bảo cho nền kinh tế trong tương lai được chú ý, thì chính sách này có vẻ như đã không còn phù hợp nữa.
 
Nhưng, thậm chí khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được hiểm họa mà chính sách một con có thể gây ra cho nền kinh tế nước này trong chưa đầy 20 năm tới, thì cũng không đồng nghĩa rằng họ có thể dẹp bỏ nó ngay lập tức. Việc chấp nhận hủy bỏ chính sách sinh một con một cách đại trà có thể khiến cho dân số Trung Quốc trở nên không thể kiểm soát, và đó còn là một nguy cơ tai hại hơn nhiều. 
 
Trung Quốc đói nghèo trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 còn có thể tăng dân số thêm 260 triệu người chỉ trong vòng 20 năm, thì một Trung Quốc với mức sống tương đối cao hiện nay sẽ còn có thể bùng nổ dân số kinh khủng ra sao nếu như các gia đình được phép sinh con tùy ý. Vấn đề không chỉ đơn giản là lương thực khi mà Trung Quốc hiện nay đủ tài chính để nhập khẩu lương thực thực phẩm, mà còn là một sự phình to đáng sợ của cơ cấu xã hội, việc làm và các hệ lụy khác vốn không dễ để giải quyết.
 
Chính vì vậy, dù đang muốn phá bỏ chính sách sinh một con nhưng Bắc Kinh cũng đang thực hiện nó một cách chậm chạp và e dè. Cuối năm 2013, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố ban hành một chính sách dân số mới, theo đó những gia đình mà vợ hoặc chồng là con một sẽ được phép sinh thêm đứa con thứ hai. 
 
Tuy nhiên, các học giả cho rằng sự nới lỏng quy định này vẫn chưa đáp ứng được tình hình, khi mà trong 1,3 tỷ dân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, chỉ có 11 triệu cặp vợ chồng là đủ tiêu chuẩn được phép sinh con thứ hai – một con số quá thấp – và thậm chí chỉ có hơn 600 ngàn cặp vợ chồng trong số đó chấp nhận sinh thêm con thứ hai. 
 
Cứ giả sử rằng cả 11 triệu cặp vợ chồng đủ tiêu chuẩn đó sẽ sinh con thứ hai, thì dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc trong 15 năm tới sẽ chỉ tăng thêm 11 triệu người, chưa thấm vào đâu so với mức giảm 61 triệu người sẽ về hưu trong thời điểm đó. Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc gần như sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân lực một cách trầm trọng trong khoảng 15 năm sắp tới. 
 
Và trừ phi đến khi đó kinh tế nước này đã đạt đến trình độ phát triển đến mức có thể bù đắp được sự thiếu hụt khoảng 50 triệu lao động đó – một điều gần như không thể xảy ra, còn không thì một sự suy giảm kinh tế nhanh chóng ở quy mô lớn là điều chắc chắn sẽ diễn ra. Thiếu hụt 50 triệu nhân lực, liệu Trung Quốc còn có thể giữ được vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới?
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới/Bloomberg
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *