Quốc tế 05/05/2020 06:00

Vẫn còn sợ dịch bệnh, người tiêu dùng Trung Quốc “dè dặt” chi tiêu

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% trong tháng Ba. Nhưng những nhà phân tích cho rằng tầng lớp trung lưu nước này có thể sẽ giúp nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo. Mặc dù vậy, mối lo về sức khỏe có thể kìm hãm việc chi tiêu dành cho nhà hàng, phim ảnh, du lịch và những thứ khác đòi hỏi sự tương tác giữa người với người.

 

http://img.fica.vn/fica/images/2020/05/04/van-con-so-dich-benh-nguoi-tieu-dung-trung-quoc-de-dat-chi-tieu-0-20200504233325821.jpg

Tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc có thể là “chìa khóa” dẫn đến sự phục hồi của nền kinh tế. Ảnh: AFP.

Các nhà phân tích cho rằng, kể từ hồi tháng Ba, Trung Quốc đã khá thành công trong việc tăng sản lượng, với tỷ lệ quay trở lại làm việc ở mức 70 đến 95% so với trước khi Covid-19 bùng phát. Nhưng nhu cầu nội địa dường như lại phục hồi một cách chậm chạp. Doanh số bán lẻ trong tháng Ba đã giảm 15,8% so với cùng kì năm ngoái. Chi tiêu cho việc ăn uống và doanh số bán ô tô lần lượt giảm 46,8% và 18,1%.

Việc giảm chi tiêu chủ yếu là do các lệnh phong tỏa hạn chế người dân ra khỏi nhà. Về mặt lý thuyết, theo ông Eugenia Victorino - người phụ trách chiến lược châu Á của Ngân hàng tư nhân SEB, người tiêu dùng thành thị có khả năng tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ khi đất nước mở cửa và cư dân được phép ra ngoài.

Ông cũng cho biết thêm mặc dù các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ ở hầu hết các quốc gia nhưng hiện nay tâm lý sợ hãi thì vẫn còn. Điều đó khiến cho một bộ phận đáng kể người dân vẫn chọn việc ở nhà.

http://img.fica.vn/fica/images/2020/05/04/van-con-so-dich-benh-nguoi-tieu-dung-trung-quoc-de-dat-chi-tieu-1-20200504233326541.jpg

Doanh thu bán lẻ của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% trong tháng Ba. Ảnh: Xinhua.

Aidan Yao, chuyên gia kinh tế mới nổi của châu Á tại AXA Investment Manager, cho biết sự thay đổi trong hành vi chi tiêu gây ra bởi dịch Covid-19 đã dẫn đến sự phục hồi tiêu dùng không đồng đều và có thể gây áp lực lên nền kinh tế một thời gian.

“Việc bình thường hóa một số lĩnh vực dịch vụ, như khách sạn, giải trí và hàng không, có thể sẽ không xảy ra cho đến năm 2021.”

Mặc dù các trung tâm mua sắm đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn về lưu lượng khách do cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhưng những người trong cuộc vẫn lạc quan về tương lai của thị trường hàng hóa xa xỉ Trung Quốc.

Tim Schlick, Giám đốc chiến lược của công ty tiếp thị Platinum Guild International, cho biết mặc dù Trung Quốc đã là thị trường trang sức bạch kim lớn nhất thế giới, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục phát triển. “Sau dịch Covid-19, mọi người sẽ bước ra khỏi thời kỳ đen tối này và trân trọng hơn những mối quan hệ của họ. Và khi đó, họ sẽ mua những sản phẩm này.”

Geraldine Chew, giám đốc điều hành của công ty tổ chức sự kiện Uniplan ở Trung Quốc, cho biết xu hướng trong hành vi tiêu dùng của người Trung Quốc đang thay đổi, khi họ mong muốn có “sự liên kết trong tình cảm hoặc mối quan hệ thân thiết với các nhãn hàng”.

Ông Chew nhận định với một thị trường tiềm năng 1,4 tỷ dân, Trung Quốc sẽ phục hồi kinh tế tốt hơn so với phần còn lại của thế giới.

                                                                                                       Hương Vũ

                                                                                                     Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *