Quốc tế 27/01/2015 09:26

Tương lai đồng euro đang đứng trước những nghi vấn mới

Sự sụt giá mạnh của đồng euro so với đồng USD đang trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên thị trường tiền tệ và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: www.comunicaffe.com)

Sau thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) bằng cách bơm hơn 1.000 tỷ euro để kích thích kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone), tỷ giá đồng tiền này so với đồng USD cuối phiên giao dịch ngày 22/1 đã giảm xuống 1 euro đổi 1,1316 USD. 

Đồng euro tiếp tục sụt giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/1 và giảm xuống 1 euro đổi 1,1088 USD, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 9/2003, sau khi Đảng Syriza với chủ trương chống thắt lưng buộc bụng đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp. Điều này đã dấy lên những lo ngại sâu sắc về khả năng Hy Lạp sẽ rời khỏi Eurozone. 

Trước đó, đồng euro cũng đã mất giá tới 12% so với USD trong cả năm 2014. Theo giới phân tích, đồng euro nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng sụt giá của đồng euro là do chính sách lãi suất khác nhau của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) muốn giữ lãi suất của Eurozone ở mức thấp 0,05% trong một thời gian dài nữa, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định nâng lãi suất cơ bản, vốn ở mức gần bằng 0% trong sáu năm qua. 

Chính sách này của ECB và Fed cũng như những bất ổn trên thế giới khiến các nhà đầu tư đổ xô mua vào USD, kéo giá trị đồng bạc xanh tăng lên và gián tiếp đẩy euro mất giá so với USD. Chuyên gia tiền tệ tại Barclays, Mitul Kotecha nhận định: “Diễn biến thị trường tiền tệ đang tồn tại hai xu hướng rõ nét là sự mạnh lên của đồng USD và xu hướng giảm giá của đồng euro.”

Dù thời gian gần đây đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan từ các nền kinh tế được cho là mắt xích yếu của Eurozone, song đà phục hồi chậm chạp của các đầu tàu kinh tế không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Kinh tế Eurozone đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát, khi tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro tiếp tục rơi vào ngưỡng âm trong tháng 12/2014, nhất là sau khi có hiệu ứng rõ rệt của việc giá dầu thế giới giảm. Chủ tịch ECB Mario Draghi đã cảnh báo những nguy cơ liên quan đến sự ổn định giá cả tại Eurozone và hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh cải cách. 

Bên cạnh đó, rắc rối chính trị đang diễn ra tại Hy Lạp cũng tác động tiêu cực tới giá trị đồng euro. Thắng lợi của Đảng Syriza trong cuộc bầu cử vào ngày 25/1 thực sự đặt tương lai Eurozone trước những thách thức mới, bởi lẽ đảng này có thể yêu cầu các chủ nợ như ECB, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm bớt nợ công của Hy Lạp (hiện chiếm đến 175% tổng sản phẩm quốc nội). Nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và rời khỏi Eurozone. Nguy cơ này khiến một số định chế tài chính lên kịch bản về những tác động tới hệ thống thanh toán và tiến hành vận hành thử các nền tảng giao dịch tiền tệ, để thử nghiệm cách thức đối phó với khả năng có đồng tiền mới của Hy Lạp. 

Vấn đề Hy Lạp cũng khiến Tây Ban Nha cảm thấy lo ngại vì “xứ sở Bò tót” sẽ tiến hành bầu cử và cũng có một đảng cánh tả cùng chủ trương với đảng Syriza của Hy Lạp là không chấp nhận chính sách cắt giảm chi để thanh toán nợ nần. Thông tin từ Hy Lạp rõ ràng có tác động tới kinh tế, đặc biệt là đồng euro, vì khiến mọi người lo sợ là sau Hy Lạp sẽ còn quốc gia khác cũng có thể ra khỏi Eurozone. 

Ảnh hưởng của sự sụt giá đồng euro đối với kinh tế Eurozone rõ ràng có những mặt tích cực và tiêu cực nhất định. Một mặt, đồng euro yếu sẽ đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt tại các nền kinh tế vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ như Đức và Italy. 

Tuy nhiên, việc đồng tiền này mất giá sẽ gây ra những tác động tiêu cực theo chiều ngược lại như khiến cho những doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn bởi chi phí nhập hàng hóa sẽ tăng, nhất là với nguyên vật liệu sản xuất. Điều đáng lo ngại hơn là việc đồng euro đi xuống đang phản ánh tình trạng kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực. 

Bản thân Chủ tịch ECB Mario Draghi trong một nỗ lực mà giới phân tích cho rằng để chống lại nguy cơ giảm phát trong Eurozone đã thông báo ECB đang “chuẩn bị về mặt kỹ thuật để thay đổi quy mô, nhịp độ và tính chất của các phương tiện thanh toán nếu thấy cần thiết phải hành động chống lại tình trạng lạm phát quá thấp kéo dài”. Người đứng đầu ECB cũng cam kết sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết, bất kể tốn kém đến đâu, để bảo vệ đồng euro. Sau hơn một tháng đắn đo, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ chính sách của Chủ tịch Mario Draghi. Quyết định của Đức là yếu tố quyết định trấn an thị trường rằng ông Mario Draghi đã có sự ủng hộ chính trị cần thiết để biến cam kết thành hành động và phát huy tác dụng. 

Trên cơ sở đó, ECB đã thực hiện chương trình nới lỏng định lượng bằng cách mua vào ồ ạt trái phiếu của các nước thuộc Eurozone đang gặp khó khăn tài chính. ECB sẽ bơm 60 tỷ euro/tháng vào thị trường tài chính trong giai đoạn từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016, con số cao hơn nhiều so với dự đoán 50 tỷ euro/tháng được giới phân tích đưa ra trước đó. Điều này buộc ECB phải in thêm tiền, qua đó đưa tỷ lệ lạm phát của Eurozone lên mức mục tiêu dưới 2%. Đây sẽ là một tác nhân nữa khiến đồng euro khó có thể vực dậy trong thời gian tới, bởi lẽ nếu không bơm thêm tiền vào thị trường thì sẽ khó lòng kích thích được tăng trưởng kinh tế, mà nếu lượng tiền này quá lớn sẽ lại làm đồng euro càng bị mất giá nhiều hơn. 

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết việc yêu cầu các ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ là một trong số rất ít những phương án mà ngân hàng này còn có thể lựa chọn để tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Trả lời câu hỏi về quyết định nhằm triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ trên quy mô lớn đang gây nhiều tranh cãi này trên tuần báo Die Zeit, ông Draghi cho biết tất cả thành viên ECB đều nhất trí sẽ thực hiện yêu cầu của ECB. Ông cũng thừa nhận "dĩ nhiên sẽ có sự khác nhau trong cách thức thực hiện chương trình đó tại từng quốc gia", nhưng sẽ không có quá nhiều kịch bản. 

Trong khi QE đã được nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng nhằm kích cầu nền kinh tế, thì tại châu Âu chương trình lại vấp phải khá nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, khi cho rằng đây là cách thức giúp chính phủ các nước hợp thức hóa việc in thêm tiền trả nợ và giảm gánh nặng cải tổ kinh tế.

Về cơ bản, Eurozone có một cơ chế liên kết về ngoại thương để các nước tự do buôn bán và không bị cản trở về hàng rào thuế quan hay hạn ngạch nhập khẩu. Tuy dùng chung một đồng tiền, song nhiều nước thành viên vẫn có chính sách kinh tế tài chính riêng. Khi kinh tế suy giảm thì họ khó đồng ý về phương thức và phí tổn ứng phó khủng hoảng. Ngay cả khi thống nhất thì vẫn thiếu một cơ chế có thẩm quyền thi hành hay bắt các nước cùng chấp nhận kỷ luật chung. Vì vậy, tương lai đồng euro đang đứng trước những nghi vấn mới đòi hỏi sự nỗ lực và điều chỉnh linh hoạt./.

Theo Việt Khoa

Vietnamplus

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *